Sầu riêng tươi Việt Nam bị gia hạn thời gian kiểm tra xuất khẩu
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra từng lô sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 30/4/2025.
Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) mới đây cho biết, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) vừa có công văn gửi các hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông báo về việc cơ quan này sẽ gia hạn lệnh tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, để đảm bảo an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra từng lô đối với sản phẩm mã hàng 0810.60.00.00.7 - sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 30/4.
Trước đó, TFDA đã ban hành yêu cầu kiểm tra từng lô sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 12/8/2024 đến ngày 11/2/2025, sau khi phát hiện 4 lô hàng nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn trong vòng 6 tháng gần nhất.

Sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bị kiểm tra từng lô đến ngày 30/4. Ảnh: Internet
Việc tăng cường kiểm tra này diễn ra sau bão Gaemi, khi nhu cầu rau xanh tại Đài Loan gia tăng đột biến, buộc nước này phải nhập khẩu nhiều hơn từ Việt Nam để ổn định giá cả trong nước.
Vì vậy, TFDA đã kêu gọi các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng theo thông tin do TFDA công bố trên cổng thông điện tử của Cơ quan này, năm 2024, có tổng cộng 8 lô hàng sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan không đạt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng từ đầu năm đến giữa tháng 2/2025 của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Việc sầu riêng Việt Nam bị kiểm tra chặt chất vàng O đã khiến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị tác động nặng nề.
Trong bối cảnh này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi xuất sang Trung Quốc. Đặc biệt, lô hàng phải có giấy chứng nhận nghiêm ngặt của trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O trong sầu riêng.
Thị trường EU gần đây cũng nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20%, chủ yếu do mặt hàng này chưa tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Dù vậy, về trung hạn, Vinafruit cho rằng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi hiệu lực từ các Nghị định thư và nhu cầu từ các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ.
Năm nay, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu lập mốc kỷ lục mới, tăng 15% so với 2024 lên khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò là lực đẩy chính và vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000ha (vượt hơn 2 lần định hướng quy hoạch đến năm 2030 - khoảng 65.000 - 75.000ha), tỷ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao.
Huyền My (t/h)
Thương vụ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang Bangladesh một lần nữa khẳng định vị thế của gạo Việt trên thị trường quốc tế.