Sau sáp nhập, tỉnh lớn nhất Việt Nam sở hữu đặc khu được mệnh danh là “hòn đảo giàu có”
Đặc khu này tuy chỉ rộng 18 km2 nhưng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Đây là đặc khu Phú Quý.
Sau sáp nhập, kể từ ngày 1/7/2025, Phú Quý chính thức trở thành đặc khu duy nhất của Lâm Đồng (mới), tỉnh có diện tích lớn nhất của Việt Nam.
Theo đó, đặc khu Phú Quý được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, với trung tâm hành chính - chính trị đặt ở xã Ngũ Phụng. Đặc khu này có diện tích tự nhiên 18 km², với dân số khoảng 32.000 người, nằm cách cảng Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120 km) về hướng Đông Nam. Trên thực tế, Phú Quý có vị trí chiến lược quan trọng trên Biển Đông và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, du lịch.
Đặc khu Phú Quý sở hữu vị trí chiến lược trên tuyến hàng hải quốc tế, đồng thời được mệnh danh là "hòn đảo giàu có" giữa Biển Đông. Phú Quý nằm ở vị trí kết nối quan trọng giữa các vùng biển trọng yếu như Trường Sa, Hoàng Sa, Cam Ranh, Côn Đảo và Vũng Tàu. Đặc khu này tuy có diện tích khiêm tốn nhưng ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào cùng lực lượng ngư dân giàu kinh nghiệm, nên hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế biển. Hơn nữa, với vị trí địa lý đặc thù, Phú Quý có thể trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại một khu vực ngư trường rộng lớn gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đặc khu Phú Quý có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển

Toàn cảnh đảo Phú Quý nhìn từ trên cao. Ảnh: PD
Thế mạnh kinh tế biển của đặc khu Phú Quý được khẳng định với các ngành chủ lực như khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản và chế biến hải sản xuất khẩu. Đây là các ngành đang mang lại giá trị gia tăng cao, tạo việc làm ổn định, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.
Theo chính quyền địa phương, khi chưa sáp nhập chính quyền 2 cấp, năng lực tàu cá của đảo Phú Quý có khoảng 1.740 chiếc. Trong đó chủ yếu là tàu cá từ 6 m trở lên do Chi cục Thủy sản quản lý, với 1.635 chiếc. Tính riêng về số lượng tàu cá từ 15 m đến dưới 24 m có 540 chiếc, tàu cá từ 24 m đến dưới 30 m là 20 chiếc và tàu cá từ 30 m trở lên có 14 chiếc. Đồng thời, Phú Quý cũng quan tâm theo dõi quản lý các chủ phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ và hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng các quy định về tham gia hoạt động khai thác trên biển; chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với thực hiện tốt công tác quản lý lồng bè, góp phần đa dạng hóa nguồn lợi và bảo vệ môi trường biển…
Trong 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng đánh bắt hải sản của Phú Quý vẫn ước đạt 17.000 tấn (chủ yếu là cá, mực), bằng 56,67% kế hoạch năm.

Phú Quý có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển và du lịch. Ảnh minh họa
Ngoài ra, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai của đặc khu này. Theo đó, đặc khu Phú Quý có hệ sinh thái biển phong phú, cảnh quan hoang sơ, bãi cát trắng mịn, cùng rạn san hô nguyên sơ, đời sống văn hóa ngư dân đặc sắc. Đây chính là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, việc đi lại của người dân, du khách ra đảo Phú Quý đã trở nên dễ dàng hơn, với 3 tàu cao tốc đang hoạt động và hải trình rút ngắn chỉ còn 2,5 giờ đã ra đến đảo. Ngoài ra, có nhiều tàu hàng chở hàng hóa giao thương giữa đất liền và đảo Phú Quý. Hơn nũa, hệ thống kè chống biển xâm thực, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, hồ nước ngọt, bệnh viện trên đảo cũng được xây dựng hoàn thiện.
Theo các chuyên gia, với giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đầy đủ cùng với những chính sách, ưu đãi hấp dẫn khi đảo Phú Quý trở thành đặc khu sẽ tạo ra môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn. Việc này đưa Phú Quý trở thành điểm đến chiến lược mới trên bản đồ phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Nghị quyết số 1671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng, từ 1/7/2025, tỉnh Lâm Đồng mới hợp nhất Đắk Nông, Bình Thuận, có 124 phường, xã và đặc khu Phú Quý. Cả nước hiện có 13 đặc khu trực thuộc tỉnh, bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc và Thổ Châu.

Sáng 18/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.