Sau Vietnam Airlines, Bamboo Airways cũng 'xin' Chính phủ gói hỗ trợ tài chính

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:04 PM 26/11/2020

Việc Vietnam Airlines được chấp thuận giải ngân gói 12.000 tỷ đồng là tín hiệu tích cực cho hàng không Việt trong bối cảnh dịch Covid-19. Hãng Bamboo Airways cũng hi vọng được Quốc hội và Chính phủ xem xét thông qua gói hỗ trợ tài chính như đã phê duyệt cho Vietnam Airlines.

Sau Vietnam Airlines, Bamboo Airways cũng 'xin' Chính phủ gói hỗ trợ tài chính

Trong 9 tháng đầu 2020, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ sau thuế tổng cộng 10.676 tỷ đồng, đặc biệt là lỗ sau thuế của công ty mẹ ở mức 10.472 tỷ.

Doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về dòng tiền là lý do Quốc hội mới đây đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chấp thuận việc giải ngân gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức tăng vốn, 4.000 tỷ là vay ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng.

Bamboo Airways xin Chính phủ gói hỗ trợ tài chính sau Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Vietnam Airlines không phải là hãng bay Việt duy nhất lao đao vì đại dịch Covid-19. Bamboo Airways là hãng hàng không hết sức non trẻ vậy mà khi vừa gia nhập bản đồ hàng không Việt Nam không bao lâu, hãng đã "gặp" đại dịch Covid -19 khiến các hoạt động khai thác của hãng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

FLC, công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways, đã ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu 2020, cho thấy tác động của đại dịch tới ngành hàng không. Khoản lãi từ hoạt động chính trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.

Bên cạnh đó trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào Bamboo Airways được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng.

Về hoạt động khai thác, sau khi cho nằm sân tới một nửa đội bay vì dịch Covid-19, Bamboo Airways đang cho số này khai thác trở lại khi thị trường nội địa phục hồi tốt khi dịch được kiểm soát. Hiện hãng chỉ còn 2 máy bay nằm sân trong tổng số 24 chiếc đang biên chế.

Chia sẻ với Vietnamfinance, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải chia sẻ: "Vào thời gian cao điểm dịch, đội tàu bay của Bamboo Airways phải dừng hoạt động 80-90% và số lượng sụt giảm chỉ còn 2 ngày/chuyến đối với một số đường bay trục chính.

Bên cạnh đó, hãng còn tốn kém thêm chi phí cho các hoạt động cách ly, phòng dịch. Vì thế, Bamboo đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề so với các hãng đã có tiềm lực và nhiều năm hoạt động như Vietnam Airlines và Vietjet".

Đồng thời, ông Hải cũng cho biết, đến nay, tài chính của Bamboo Airways tiếp tục dựa hoàn toàn vào sự bảo trợ từ Tập đoàn FLC và nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, Bamboo Airways với tham vọng lớn trở thành "Hãng hàng không 5 sao" nên chi phí đầu tư sẽ là rất lớn. Thế nhưng, vừa cất cánh một thời gian ngắn, hãng đã gặp "bão" Covid -19, nên rất khó khăn về dòng tiền.

Trước những khó khăn dồn dập, phía Bamboo Airways đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hãng hàng không mới gia nhập thị trường như các gói hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi, giảm giá/phí một số dịch vụ trong thời gian đầu khai thác...

Bamboo Airways xin Chính phủ gói hỗ trợ tài chính sau Vietnam Airlines - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khắc Hải cũng cho biết: Do mới thành lập nên Bamboo Airways cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ mở rộng và phát triển đội bay hãng. Đồng thời, tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm đối với giá dịch vụ, giảm thuế nhiên liệu bay đã ban hành. Đặc biệt, giảm các loại phí thu hộ như phí phục vụ hành khách và phí soi chiếu an ninh.

Gói vay hỗ trợ của Bamboo Airways vào tháng 7/2020 đề xuất với Chính phủ là 5.000 tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm này, hãng chưa đưa ra con số cụ thể.

TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, tin rằng "sau Vietnam Airlines, sắp tới, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ hãng bay tư nhân". Tuy nhiên vị này nhận định quy mô khoản vay sẽ không cố định ở mức 4.000 tỷ đồng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng cân đối vốn của Chính phủ, quy mô, thị phần, vai trò đóng góp của từng hãng với nền kinh tế, với xã hội…

Bamboo Airways, là hãng hàng không hết sức non trẻ, mới được thành lập từ tháng 5/2017 và đến tháng 11/2018 hãng được cấp phép bay thương mại. Ngày 16/1/2019 hãng bay chính thức cất cánh, đánh dấu sự xuất hiện hãng hàng không thứ 5 trên bản đồ hàng không Việt Nam.

Chỉ sau 1 năm, hãng đã có 25 tàu bay, tính đến hết tháng 9/2020 hãng đã thực hiện hơn 40.000 chuyến bay an toàn, khai thác 53 đường bay nội địa và quốc tế, vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách.

Bên cạnh đó, thị phần của Bamboo Airways cũng có bước tiến mạnh khi tăng thị phần vận tải cung ứng từ 2,2% (tháng 1/2019) lên mức 15% (tháng 6/2020) và thị phần vận tải hành khách tăng 1,1% (tháng 1/2019) lên mức 13% (tháng 6/2020).

Giai đoạn 2021 - 2025, Bamboo Airways dự kiến phá triển đội tàu bay lên 110 chiếc (gồm 14 tàu bay thân rộng và 96 tàu bay thân hẹp).

Bamboo Airways sẽ khai thác các đường bay đến toàn bộ các sân bay nội địa. Ngoài ra mở thêm các đường bay quốc tế đi đến Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và mở các đường bay tầm trung, tầm ngắn tới các nước khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan...) và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc...).

Bên cạnh đó, hãng sẽ triển khai các đường bay tầm xa Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ phù hợp với việc khai thác tàu bay thân rộng.

An Mai
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.