Thái Bình: Khám sàng lọc lao miễn phí cho người dân Đông Hưng
Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã phối hợp cùng nhiều đơn vị liên quan triển khai chương trình khám sàng lọc sớm phát hiện chủ động bệnh lao tiềm ẩn và điều trị miễn phí cho người dân tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bệnh lao vào năm 2035, Trung tâm SCDI đã phối hợp cùng Sở Y tế Thái Bình, Bệnh viện Phổi Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng khám sàng lọc cho gần 10.000 bệnh nhân tại huyện Đông Hưng.
Theo số liệu thống kê, đến nay đã hoàn thành khám sàng lọc 20/25 điểm theo dự kiến. Số người dân đến khám là 6224 người, phát hiện 30 ca mắc lao hoạt động, 221 ca mắc lao tiềm ẩn. Tất cả số ca bệnh đều được hỗ trợ điều trị ngay từ khi phát hiện và tất cả các bệnh nhân bắt đầu điều trị đều tuân thủ tốt.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hồng - Điều phối của SCDI tại Thái Bình cho biết: "Rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đó, SCDI đã họp bàn cùng các đơn vị phối hợp liên quan xây dựng một quy trình khép kín trong quá trình khám sàng lọc nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và giảm sự vất vả trong quá trình tham gia khám sàng lọc.
Hơn thế nữa, mô hình khép kín còn giúp kiểm soát người bệnh tốt hơn, tránh trường hợp mất dấu bệnh nhân như những năm trước. Khi khám sàng lọc, sẽ có một bác sĩ cùng một điều dưỡng đi theo để nhận bệnh nhân và kết hợp cùng một kỹ thuật viên xét nghiệm để lấy mẫu xét nghiệm chức năng gan, thận trước khi cho bệnh nhận điều trị. Từ đó có thể cấp thuốc ngay lập tức cho người bệnh, nâng cao tỷ lệ và tránh mất dấu bệnh nhân trong quá trình khám sàng lọc. Thực hiện quy trình được khép kín các bác sỹ sẽ vất vả hơn nhưng đổi lại người dân sẽ không dễ dàng tiếp cận dịch vụ do không phải đi lại nhiều lần. Một số trường hợp người dân điều trị tại nhà, chúng tôi sẽ cử người mang thuốc đến tận nhà cho họ".
Không chỉ giúp cho bệnh nhân lao có cơ hội tiếp cận xét nghiệm, khám sàng lọc và điều trị, Trung tâm SCDI còn hỗ trợ bệnh nhân lao tuân thủ điều trị, hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân lao. Tăng cường tư vấn, động viên cho người bệnh có tinh thần tốt hơn và yên tâm điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Duy Lập - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng cho biết: "Những ca mắc bệnh lao phần lớn đều là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp vì thế họ rất khó có cơ hội tiếp cận với các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Đặc biệt nhận thức về bệnh lao còn hạn hẹp, nhiều người vẫn còn mặc cảm với bệnh nên ngại chia sẻ với mọi người khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng và dễ lây lan ra cộng đồng nhiều hơn. Những năm qua bệnh viện chúng tôi cũng đã lập và triển khai nhiều kế hoạch nhằm tuyên truyền, vận động người dân qua qua đài truyền thanh, tờ rơi... Qua đó tuyên truyền và hướng dẫn người dân đăng ký sàng lọc lao qua phương thức quét mã QR hoặc thông qua website (sangloclao.net). Nhờ đó trong thời gian qua, nhiều người dân đã dần ý thức và hiểu hơn về bệnh lao".
Người dân được mời đến thăm khám tại địa bàn huyện Đông Hưng - Ảnh: Hải Long
Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm ca bệnh, chương trình cũng phát huy vai trò trong việc hỗ trợ bệnh nhân hoàn thành điều trị lao và lao tiềm ẩn, đặc biệt trong nhóm khó như người sử dụng ma túy, người vô gia cư. Khi người dân đến khám sàng lọc, đội ngũ y tế sẽ tư vấn, cung cấp đầy đủ các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho việc chăm sóc người bệnh, đặc biệt giúp người nhà bệnh nhân hiểu đúng và không kì thị người mắc bệnh. Qua việc cung cấp kiến thức, tư vấn kết hợp với hỗ trợ trực tiếp từ các y bác sỹ; hầu hết các bệnh nhân đều tiếp nhận điều trị.
Ông Phạm Văn Cải - BSCK1 - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, chia sẻ: "Nhận được kế hoạch từ Bệnh viện Phổi Thái Bình, chúng tôi đã ngay lập tức họp bàn và điều cử cán bộ bệnh viện cùng hỗ trợ chương trình. Trong quá trình diễn ra, tôi nhận thấy người dân đã rất đồng thuận và hồ hởi tham gia. Một số người dân có hoàn cảnh khó khăn đã có cơ hội được khám và điều trị miễn phí giúp cho họ cải thiện được sức khỏe để sinh sống và làm việc.
Chúng tôi cũng rất vui khi chương trình đã giúp cho nhiều người dân hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp xúc với y tế để khám và điều trị căn bệnh này. Thật may mắn, Trung tâm SCDI đã xây dựng được chương trình, xin kinh phí từ quỹ Toàn Cầu giúp chúng tôi có cơ hội khám và điều trị cho người dân nghèo. Đến nay chương trình đã vượt kế hoạch, vượt mốc thời gian mà chúng tôi đã đề ra".
Xe chuyên dụng và đội ngũ y tế được điều động đến tận điểm khám để hỗ trợ bệnh nhân - Ảnh: Kim Dung
Trong khuôn viên kế hoạch khám sàng lọc, SCDI còn đặc biệt kết hợp cùng các cơ quan liên quan đến trực tiếp Trung tâm Cai nghiện công lập tỉnh Thái Bình để khám sàng lọc và điều trị cho các học viên đang cai nghiện tại đây. Đây cũng là một điểm nóng và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị cho những người mắc bệnh vì phần lớn các ca nhiễm đều là người có tiền sử sử dụng ma túy hoặc mắc các bệnh như HIV/AIDS, Viêm gan A, B, C, suy giảm chức năng gan, thận...
Chia sẻ với phóng viên, ông Phí Văn Điềm - Phó Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy công lập tỉnh Thái Bình (cơ sở 1) thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho biết: "Trung tâm cai nghiện là nơi tiềm ẩn và có nhiều ca nhiễm lao nhưng do đặc thù phức tạp, và đây là môi trường sinh hoạt tập thể, chúng tôi rất băn khoăn vì không thể đưa các học viên ở đây đi ra ngoài để khám và điều trị.
Hiện tại có rất nhiều học viên bị nhiễm lao hoạt động và lao tiềm ẩn, từ đó dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm cho cán bộ tại trung tâm và các học viên khác. Rất may mắn khi Trung tâm SCDI đã kết hợp cùng các đơn vị liên quan đến trực tiếp khám và chữa bệnh trực tiếp tại trung tâm giúp cho chúng tôi có thể yên tâm công tác. Đây cũng là mong mỏi rất lớn của đơn vị chúng tôi. Chúng tôi mong muốn rằng, hàng năm sẽ được khám định kỳ 2 lần để có thể bài trừ hoàn toàn bệnh lao ra khỏi trung tâm và góp phần động viên tinh thần cho các cán bộ yên tâm làm việc".
Để tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận được xét nghiệm, điều trị lao, dự kiến, Trung tâm SCDI sẽ tiếp tục tổ chức sàng lọc chủ động thêm tại nhiều huyện khác nhau trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm loại trừ hoàn toàn bệnh lao ra khỏi cộng đồng theo kế hoạch đến năm 2035. Trong năm 2023, dự án tiếp tục mở rộng và củng cố mạng lưới cộng đồng phòng chống lao, nâng cao năng lực và phát huy vai trò của mạng lưới trong việc sàng lọc người nguy cơ và hỗ trợ tuân thủ điều trị; phát hiện nhiều ca bệnh, song song với tư vấn điều trị lao tiềm ẩn để hướng tới chấm dứt lao tại các địa bàn đã thực hiện.
Bên cạnh đó, SCDI sẽ tăng cường các nội dung và hình thức truyền thông để người dân hiểu đúng về lao, xóa bỏ kỳ thị, nâng cao nhận thức và ý thức trong việc điều trị bệnh.
Thành Trung - Kim Dung - Hải LongTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.