Sẽ có làn sóng doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc sang Việt Nam?
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu trả tiền cho các doanh nghiệp để chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc trở về quê nhà hoặc rời đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn...
Các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư,
đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc nhưng một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME).
Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào.
Theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỷ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Ngoài 30 công ty được trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Chính phủ Nhật Bản cũng chi ít nhất 57,5 tỷ yen (536 triệu USD) cho 57 công ty gồm hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp để chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Trong khi mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi và chiến tranh thương mại tồi tệ hơn, nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ và các nước khác đã bàn tới việc giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Quyết định di dời các công ty ra khỏi Trung Quốc của Nhật Bản tương tự với chính sách của Đài Loan vào năm 2019. Cho tới nay, chưa có quốc gia nào khác ngoài hai nước này ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích sự thay đổi.
Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 đã làm hỏng mối gắn kết kinh tế trong mắt Nhật Bản. Trong nhiều năm, chính quyền của ông Shinzo Abe đã cố gắng để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc từ sau cuộc bạo động năm 2012, tuy nhiên đại dịch và những cuộc tranh chấp tại các hòn đảo và mỏ khí đốt ở Biển Hoa Đông đã làm lung lay những nỗ lực này.
Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Hiện nay, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
The Economist đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nhưng đang bật trở lại mạnh hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đây là một trong số ít các quốc gia có khả năng tăng trưởng dương trong năm nay. Việt Nam vốn là một điểm đến ưa thích cho đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đặc biệt là trong ngành dệt may. Gần đây, Việt Nam cũng đã trở thành một liên kết chính trong chuỗi cung ứng công nghệ.
"Việt Nam không chỉ là con cưng của các công ty đa quốc gia, mà còn được yêu thích bởi các nhà đầu tư tại thị trường cận biên. Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của thương mại thế giới trong những thập kỷ gần đây, giờ đây tiếp tục hưởng lợi từ sự sụp đổ của toàn cầu hóa" - The Economist nhận định
Gần đây, nền kinh tế ổn định đã giúp Việt Nam tăng thêm sức hấp dẫn. Ngân hàng trung ương đã giữ đồng nội tệ khá ổn định so với đồng USD, thắt chặt tín dụng ngân hàng. Lạm phát đã duy trì ở mức tương đối thấp.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiếp tục mở cửa cho thương mại. Bằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 kể từ đó đã ký thỏa thuận với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai trong số các nhà đầu tư lớn hơn tại Việt Nam. Gần đây nhất là việc phê chuẩn EVFTA. FDI tiếp tục phát tăng và đã có những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Singapore trong năm nay. "Việt Nam cũng là nơi ẩn náu cho các công ty trong cuộc chiến thương mại và công nghệ Trung-Mỹ" - The Economist nhận định.
Linh NgaKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.