Sẽ có quy chuẩn an toàn cho ô tô điện và hybrid
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến thông tư ban hành Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô, trong đó có quy định riêng với ô tô thuần điện (PEV) và các loại xe hybrid, hydro.
Để giảm phát khí thải, Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng ô tô điện, năng lượng xanh, dần loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh đầu tư, sản xuất các loại xe điện, xe hybrid. Hiện đã có hơn 20.000 ôtô điện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ôtô hiện hành (QCVN 09:2015) không yêu cầu về an toàn kỹ thuật đối với xe điện nên dự thảo phải bổ sung. Phần lớn quy chuẩn thiết kế xe sẽ phù hợp với tiêu chuẩn thế giới.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, QCVN 09:2015 áp dụng được 8 năm đã phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Bên cạnh đó, xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
So với Quy chuẩn hiện hành được ban hành năm 2015 (QCVN 09), Dự thảo Thông tư mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại xe ô tô không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm: xe thuần điện, xe Hybrid, xe Hybrid điện, xe chạy nhiên liệu Hydro, xe chạy nhiên liệu Hydro điện.
Đây là xu hướng chung của thế giới, Việt Nam hiện đang phát triển nhanh các loại xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển các loại xe Hybrid, phương tiện giao thông thông minh.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến thông tư ban hành Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, trong đó có quy định riêng với ôtô thuần điện (PEV) và các loại xe hybrid, hydro.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bổ sung quy định kết cấu ô tô điện sử dụng hệ thống dẫn động có thể lắp một hoặc nhiều động cơ điện. Công suất động cơ điện phải được nhà sản xuất lắp ráp xe công bố.
Để bảo vệ, chống tiếp xúc trực tiếp thiết bị điện, các đầu nối với dây dẫn điện phải được bọc và làm kín trong lớp cách điện, hoặc vỏ bọc cách điện không thể tháo rời. Nhãn cảnh báo nguy hiểm của dòng điện cao áp phải nhận biết được trên vỏ bọc; hàng rào bảo vệ điện khi tháo ra sẽ để lộ bộ phận mang điện áp cao.
Để chống giật, dây dẫn điện, vỏ bọc phải được kết nối với khung xe bằng dây cáp điện để nối đất, đầu ghép nối phải được cố định bằng cách hàn, bằng bulông để tránh nguy hiểm tiềm năng.
Hệ thống cổng sạc trên xe sẽ do nhà sản xuất quy định và đánh giá tổng quan bằng mắt thường, bản vẽ kỹ thuật. Tuy nhiên, hệ thống này phải nối đất khi kết nối với điện áp bên ngoài để cấp vào xe và duy trì cho đến khi điện áp bên ngoài ngắt kết nối, rút ra khỏi xe.
Hệ thống cổng sạc trên xe phải có đèn thay đổi màu sắc hoặc thiết bị thể hiện trạng thái sạc điện. Xe có hệ thống khóa bảo vệ an toàn, khi đang sạc điện không cho phép xe khởi động, có thiết bị theo dõi nhiệt độ, chức năng bảo vệ quá nhiệt trong quá trình sạc. Nếu quá trình sạc xe có hiện tượng quá nhiệt thì phải có chế độ cảnh báo và dừng sạc.
Xe phải duy trì khả năng chống cách điện khi tiếp xúc với nước, ví dụ rửa xe, lái xe qua vùng nước đọng. Xe phải điều khiển được trong vũng nước có độ sâu 0,1 m, trên quãng đường 500 m với tốc độ 20 km/h, trong khoảng 1,5 phút.
Minh An (t/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.