Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch như thế nào trong 2022?

Sức khỏe
03:37 PM 20/01/2022

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khi đạt tỉ lệ bao phủ vaccine cao trong cộng đồng, sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỉ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỉ lệ mắc COVID-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Ngày 20.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ với trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm 2022 mục tiêu ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023), góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ gồm biện pháp áp dụng chung cho kịch bản phòng, chống dịch ở tất cả các cấp độ dịch và biện pháp áp dụng; tiến hành đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã đến cấp tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khi đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trong cộng đồng, sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc COVID-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch như thế nào trong 2022? - Ảnh 1.

Cảnh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Hà Nội năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Với kịch bản phòng, chống dịch tại các cấp (xã, huyện, tỉnh, khu vực) khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, tiêu chí để đánh giá là: Tỷ lệ lấp đầy giường thở ô-xy trong tuần qua vượt quá 100% và tỷ suất tử vong do COVID-19 trong 1 tuần/100.000 người từ 5 trở lên.

Tới đây, các địa phương sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đúng thời điểm, ở phạm vi hẹp nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể; Áp dụng một số biện pháp về tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh.

Để chuẩn bị kịch bản cho phòng, chống dịch khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, Bộ Y tế sẽ phát hiện kịp thời những thay đổi về dịch tễ học, độc lực của virus, thiết lập mạng lưới các phòng xét nghiệm của Việt Nam có khả năng phát hiện các biến chủng mới, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và thực hành tốt nhất trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và biện pháp hành chính phù hợp, theo dõi hiệu quả các biện pháp can thiệp gồm chẩn đoán, điều trị, vắc xin đối với biến chủng mới;

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong. Điều này nhằm mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.

Về tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã báo cáo Bộ Chính trị đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo tiêm cho đối tượng này, đồng thời cho phép mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech để có thể triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu trong năm 2022, có vắc xin sản xuất trong nước và đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu vắc xin đến cuối năm 2023.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn