Sẽ xử lý hình sự nếu không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối

Đời sống
10:00 AM 06/02/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;

b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;

c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Theo quy định trên, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc Covid-19 mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Xử lý hình sự nếu không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối - Ảnh 1.

Không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Không khai báo, khai báo y tế gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự 

Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC quy định:

Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị phạt 50-200 triệu đồng hoặc 1-5 năm tù giam;

- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, làm chết người có thể bị phạt 5-10 năm tù;

- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết từ 2 người trở lên có thể bị phạt 10-12 năm tù.

Có thể thấy rằng hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc, có thể bị xử lý hình sự.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.