SEA Games 31 cận kề: Cơ hội và thách thức nào cho kinh tế Việt Nam?

Đầu tư và Tiếp thị
03:59 PM 06/03/2022

Việt Nam đăng cai SEA Games 31 là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, khẳng định năng lực, thúc đẩy phát triển nhưng đi kèm nhiều thách thức, đặc biệt là "bài toán" kinh phí.

SEA Games (Southeast Asian Games) là sự kiện thể thao lớn nhất tại Đông Nam Á, được tổ chức mỗi hai năm một lần ở một quốc gia trong khu vực. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á, kể từ lần đầu vào năm 2003.

SEA Games 31 cận kề: Cơ hội và thách thức nào cho kinh tế Việt Nam? - Ảnh 1.

Sao la - Linh vật SEA Games 31

SEA Games 31 sẽ diễn ra vào tháng 5/2022 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận. Đại hội tổ chức 40 môn thi với 526 nội dung, chủ yếu là các môn thi trong chương trình Asiad, Olympic. SEA Games 31 có sự tham dự của 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á với khoảng 10.000 người.

Thách thức về vốn

Trong Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam, vấn đề kinh phí được đặc biệt chú ý. Trước đó, Ban tổ chức SEA Games 31 từng đề xuất xin kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng do Đại hội thể thao Đông Nam Á có nhiều công tác phải chuẩn bị, bao gồm phương án phòng chống dịch. Tuy nhiên bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khoản tiền tổ chức đại hội buộc phải rút bớt theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Quốc hội đã phê duyệt số tiền 750 tỷ đồng để tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam.

Với kinh phí khá “khiêm tốn”, Ban tổ chức SEA Games 31 buộc phải tính toán lại với tinh thần thắt chặt chi tiêu nhằm tiết kiệm tối đa trong trường hợp không có các khoản bổ sung kinh phí.

SEA Games 31 cận kề: Cơ hội và thách thức nào cho kinh tế Việt Nam? - Ảnh 2.

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình

Trong quá khứ, Việt Nam đăng cai SEA Games 22 (2003) với tổng kinh phí 5.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD), trong đó 1.000 tỷ đồng cho việc xây sân Mỹ Đình, 240 tỷ đồng đồng xây cung thể thao dưới nước. 

Cơ hội để phát triển 

Theo đề án, thông qua SEA Games 31, Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi để quảng bá hình ảnh, con người, phong tục tập quán, văn hóa đến với quốc tế bởi SEA Games 31 có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực thể dục thể thao, mà còn có tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội của đất nước ta.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải nhận định, sự kiện này sẽ thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của truyền thông trong khu vực. Hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới sẽ được phản ánh thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông (truyền hình, báo chí, truyền thông đa phương tiện).

Dự kiến qua Đại hội Thể thao Đông Nam Á, Việt Nam thu về khoảng 70 tỷ đồng tiền tài trợ. Ngoài ra, Ban tổ chức thu khoảng 100 tỷ đồng từ lệ phí đóng góp của các đoàn thể thao cho công tác ăn ở.

Theo ước tính của Ban Tổ chức, sẽ có khoảng gần 25.000 người, bao gồm VĐV, HLV, quan chức, trọng tài, phóng viên và du khách cũng như cổ động viên nước bạn đến Việt Nam trong thời gian diễn ra SEA Games. Đây là cơ sở cho tăng trưởng lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch lữ hành cho Việt Nam trong năm 2022.

Nếu tận dụng tốt sự kiện thể thao này sẽ tiếp thêm động lực cho ngành Du lịch Việt Nam hồi phục sau đại dịch. Đồng thời, sự kiện kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động khi tham gia vào các hoạt động phục vụ công tác tổ chức thi đấu, đón tiếp khách du lịch quốc tế.

Anh Đức
Ý kiến của bạn