SEA Games 31: Cơ hội 'vàng' để Nam Định quảng bá du lịch

Địa phương
03:37 PM 10/05/2022

Tỉnh Nam Định đã tổ chức triển lãm một số tư liệu, hình ảnh giới thiệu Không gian Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và trưng bày không gian văn hóa ẩm thực phong phú để phục vụ khán giả đến cổ vũ SEA Games 31.

Nam Định là 1 trong 2 địa phương được Ban tổ chức SEA Games 31 lựa chọn đăng cai các trận thi đấu vòng bảng và 1 trận đấu bán kết môn bóng đá nam. Trong thời gian diễn ra các trận đấu, dự kiến Nam Định sẽ đón hàng chục nghìn người là thành viên ban tổ chức, quan khách, đại biểu, các đoàn vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cổ động viên bóng đá trong nước và quốc tế về dự. Đây là cơ hội quảng bá tinh hoa văn hóa con người, quê hương Nam Định, xúc tiến tiềm năng du lịch, đầu tư đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho rằng đây là cơ hội để Nam Định quảng bá về đất và người địa phương.

SEA Games 31: Cơ hội vàng để Nam Định quảng bá du lịch - Ảnh 1.

Khách mời tham gia sự kiện SEA Games 31 sẽ được trải nghiệm tham quan, khám phá tại Nam Định.

Triển khai không gian ẩm thực Nam Định phục vụ SEA Games 31

Nhân dịp này, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định tổ chức không gian văn hóa ẩm thực, với sự tham gia của các nghệ nhân văn hóa ẩm thực tỉnh và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Tại đây sẽ phục vụ các món ăn truyền thống, đặc trưng của Nam Định như phở bò, bún đũa, xôi kê, bánh dày, bánh cuốn làng Kênh, bánh xíu-páo…. Ngoài ra còn nhiều gian hàng giới thiệu món ăn đặc sản của các địa phương khác trên cả nước như: Vịt Cổ Lũng tần sâm báo của Thanh Hóa, bún ốc Bà Ngoại, xôi Phú Thượng, cốm làng Vòng của Hà Nội, bún hến, bún bò Huế (Huế), bún ốc Bà Ngoại,…

Riêng về món phở, xa xưa phở bò tỉnh Nam Định đã nổi tiếng vì có dòng họ Cồ ở làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực) chuyên nghề làm món ăn này. Ngày nay, không chỉ người dân xã Đồng Sơn mà nhiều người dân ở nhiều làng quê khác trong tỉnh Nam Định cũng chọn nghề này làm kế mưu sinh, đi khắp nơi trong cả nước, ra cả nước ngoài hành nghề, làm nên thương hiệu nổi tiếng phở bò Nam Định. 

SEA Games 31: Cơ hội vàng để Nam Định quảng bá du lịch - Ảnh 2.

Nhiều đặc sản của Nam Định sẽ được giới thiệu đến công chúng vào dịp diễn ra môn thi đấu SEA Games 31 tại tỉnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, nằm ở trung tâm vùng phía Nam đồng bằng Sông Hồng, Nam Định là nơi sáng tạo, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa, nhất là văn hóa ẩm thực. Từ xa xưa, Nam Định đã nổi tiếng có nhiều món ăn ngon, đi cả vào văn thơ: "Thành Nam ẩm thực muôn màu/Xôi, chè, phở, bánh, lục tàu, sìu châu/Dù cho đi đâu về đâu/Chốn này vẫn khắc in sâu….đáy lòng".

Không gian văn hóa ẩm thực Nam Định đem đến cho người hâm mộ bóng đá cùng du khách thập phương những trải nghiệm thú vị khi vừa được xem những trận cầu kịch tính vừa được thưởng thức nét ẩm thực Nam Định độc đáo ngay tại Sân vận động Thiên Trường, từ đó lan tỏa kết nối các giá trị văn hóa ẩm thực và du lịch.

Nam Định giới thiệu Di sản Không gian Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Cũng tại không gian này, Nam Định giới thiệu hoạt động "Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, và sẽ tổ chức diễn xướng Hầu đồng trong thời gian diễn ra sự kiện.

SEA Games 31: Cơ hội vàng để Nam Định quảng bá du lịch - Ảnh 3.

Khu vực giới thiệu "Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt"

Theo đó, Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã khảo sát các điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn như Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định); Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy (huyện Vụ Bản); Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) để giới thiệu cho đoàn vận động viên, cổ động viên các nước về Nam Định thi đấu, cổ vũ bóng đá SEA Games 31 có nhu cầu đi tham quan, du lịch tại địa phương.

Vùng đất Nam Định là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ và có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống gắn với các hoạt động tín ngưỡng độc đáo.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi) hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước như: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Chủ thể di sản là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.

Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.