Senegal - thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam
Nhu cầu của Senegal về hàng xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng, có doanh nghiệp thậm chí mong muốn trở thành đầu mối chính thức các nhóm hàng từ Việt Nam để phân phối tại khu vực Tây Phi.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, lên tới 43,43 triệu USD, gần bằng cả năm 2024 (43,91 triệu USD), trong đó, xuất khẩu gạo đạt 25,67 triệu USD, hạt tiêu 6,8 triệu USD, hàng rau quả 1,7 triệu USD, bánh kẹo, linh kiện ô tô, xe máy, thuỷ hải sản…

Gạo Việt chinh phục thị trường Senegal. Ảnh minh họa
Xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal tăng theo hàng năm. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, năm 2023, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Senegal đạt 134 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 38 triệu USD, chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm như hạt tiêu, gạo, rau quả, sản phẩm dệt may…; nhập khẩu 96 triệu USD.
Thực tế, Senegal là nước tiêu thụ gạo lớn thứ 3 châu Phi sau Nigeria và Bờ Biển Ngà. Mỗi năm, nước này phải nhập khẩu từ 800.000 đến 1 triệu tấn gạo, trong đó hơn 90% là gạo 100% tấm. Trong khi đó, gạo thơm Việt Nam loại 100% tấm đang được bày bán tại các siêu thị ở Senegal trong các bao 5kg và 25 kg, với giá khoảng 1,3 USD/kg.
Bên cạnh gạo, các mặt hàng khác cũng có mức tăng trưởng ấn tượng: Hạt tiêu đạt 6,8 triệu USD, rau quả 1,7 triệu USD… Điều này khẳng định năng lực cạnh tranh và mức độ phù hợp của nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam đối với thị trường Senegal.
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Senegal vừa qua, các doanh nghiệp Senegal cho biết nhu cầu của nước này về hàng xuất khẩu của Việt rất đa dạng, bao gồm thực phẩm chế biến, vật tư học đường, bao bì, vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình… Có doanh nghiệp thậm chí mong muốn trở thành đầu mối chính thức các nhóm hàng từ Việt Nam để phân phối tại khu vực Tây Phi.
Họ cũng mong muốn nhập khẩu từ Việt Nam gạo, gia vị, cà phê, trà, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, bao bì, thiết bị đồ dùng học tập… của Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt kiều tìm kiếm nhà cung cấp đồ khô như bánh tráng, bánh đa nem, bún phở, nước mắm… để phục vụ các nhà hàng châu Á. Doanh nghiệp Senegal cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như hạt điều thô, bông, hải sản, bột cá làm thức ăn gia súc… sang Việt Nam.
Các đại biểu Senegal đánh giá cao kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam và mong muốn tìm kiếm đối tác để cùng đầu tư sản xuất, chế biến hàng hóa tại Senegal hoặc nhập khẩu sản phẩm phục vụ thị trường sở tại cũng như xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực để tận dụng Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AFCFTA).
Để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Senegal, các đại biểu kiến nghị hai nước cần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư; thành lập hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Senegal; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước; tăng cường trao đổi đoàn, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế như Vietnam Expo, Vietnam International Sourcing Expo, Vietnam Food Expo hay Hội chợ quốc tế Dakar của Senegal; phối hợp trong việc giới thiệu cơ hội kinh doanh, đầu tư, hỗ trợ các công ty hai bên xác minh đối tác cũng như tư vấn giải quyết các tranh chấp phát sinh; cử lãnh sự danh dự Việt Nam tại Senegal,....
An Mai (t/h)
Thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Renzo Piano, nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng là một công trình mang tính biểu tượng của Việt Nam. Vậy, thiết kế nhà hát bên Hồ Tây này có gì đặc biệt để có thể vươn tầm thế giới?