Sếp CBRE Việt Nam: “Sau thời gian không có sản phẩm, người mua căn hộ sẽ rất háo hức để đi xem dự án khi Tp.HCM mở cửa”

Các chủ đầu tư sẽ nhanh chóng triển khai các chương trình chào bán sản phẩm trong quý 4/2021 sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi khi hết giãn cách. Tuy theo các chuyên gia, nguồn cung sản phẩm chỉ tập trung ở một số chủ đầu tư và các dự án có quy mô lớn, dài hạn. Nguồn cung sơ cấp trong ngắn hạn vẫn hạn chế do độ trễ trong việc triển khai các thủ tục pháp lý dự án tiếp tục kéo dài.

Chia sẻ tại toạ đàm do báo Dân Trí tổ chức mới đây, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, hiện tại đã có nhiều chủ đầu tư lên kế hoạch phát triển giới thiệu sản phẩm. Bởi vì chỉ còn 3-4 tháng nữa là bước sang năm 2022. Dự kiến vào tháng 1/2022, người mua đã có thể đến tham dự các sự kiện giới thiệu hoặc mở bán dự án của chủ đầu tư.

Tương tự thì người mua cũng đã bắt đầu kết nối lại với các chủ đầu tư và các sàn giao dịch để tìm hiểu sản phẩm. Trước tiên, người mua sẽ đi xem sản phẩm.

"Giống như chúng ta sau một thời gian dài không được đi ra ngoài không được mua sắm, thì khi mở cửa trở lại sẽ có một lượng người rất đông túa vào các trung tâm mua sắm chỉ để ngắm nhìn các sản phẩm. Những người mua mua căn hộ sau một thời gian dài không có sản phẩm, cũng rất là háo hức để đi xem. Cho nên, chúng tôi rất lạc quan rằng thị trường sau tháng 1/2022 sẽ phục hồi trở lại", bà Dung khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường căn hộ Tp.HCM hiện tại thiếu hụt nguồn cung mới và sản phẩm có pháp lý "sạch", cho nên dự án nào pháp lý đầy đủ chào thị trường ở giai đoạn này được xem là lợi thế rất lớn.

Thực tế thì thị trường căn hộ Tp.HCM, hiện khá hiếm dự án mới chào bán. Một phần ảnh hưởng bởi dịch, phần lớn bởi các dự án tại Tp.HCM thời gian qua bị trễ do các thủ tục pháp lý dự án kéo dài phê duyệt, hoặc tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát.

Sếp CBRE Việt Nam: “Sau thời gian không có sản phẩm, người mua căn hộ sẽ rất háo hức để đi xem dự án khi Tp.HCM mở cửa” - Ảnh 1.

Ghi nhận cho thấy, trong thời gian này, dự án mới chào bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn, tại Bình Chánh, hiện chỉ có dự án Westgate phát triển bởi Tập đoàn BĐS An Gia, là một trong số rất ít những dự án tại Tp.HCM hiện nay sở hữu pháp lý hoàn thiện (đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai). Được biết, dự án chào bán giá 40 triệu/m2. Đơn vị này cũng đang triển khai với chính sách ưu đãi đặc biệt "Mua nhà được Cashback" và thanh toán trước 15%, tương đương 300 triệu đồng sau đó thanh toán theo tiến độ đến đủ 30% trước khi nhận nhà. Theo đơn vị này, chính sách mới sẽ giúp người mua dễ dàng huy động tài chính, điều chuyển dòng tiền trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hay, một số căn hộ được công nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai trong đầu năm 2021 như 882 căn hộ chung cư của 2 tòa nhà 21Z và 26T2 thuộc lô A1 của dự án Khu dân cư và Công viên Phước Thiện; 243 căn hộ chung cư thuộc dự án Tòa nhà Căn hộ - Văn phòng dịch vụ - Thương mại dịch vụ HH5-1 Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1; dự án 117 căn nhà tại dự án Khu nhà ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè của Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Hồng Thịnh; 270 căn hộ chung cư thuộc dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ tại số 336/20 Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6….

Tuy nhiên, nhìn chung nguồn cung căn hộ vẫn rất khan hiếm trên thị trường Tp.HCM. Theo bà Dương Thuỳ Dung, nguồn cung sơ cấp trong ngắn hạn vẫn hạn chế do độ trễ trong việc triển khai các thủ tục pháp lý dự án tiếp tục kéo dài.

Trước khi Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2019, thị trường nhà ở tại Hà Nội và Tp.HCM vô cùng sôi động. Tại 2 thành phố số lượng căn hộ chào bán và số lượng căn hộ tiêu thụ được đều rất khả quan. Số lượng chào bán mỗi năm ít nhất là từ 20.000 - 35.000 căn tùy từng năm, thời kỳ cao điểm 2016-2017 lên đến 35.000 căn mỗi năm. Sau đó có giảm xuống một chút ít nhưng số liệu vẫn còn rất khả quan khoảng tầm 25.000 căn/năm.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo bà Dung, sự giảm sút nguồn cùng căn hộ rất mạnh mẽ trong năm 2020, số lượng căn hộ chào bán chỉ còn khoảng 15.000 căn ở mỗi thành phố. Số liệu 9 tháng đầu năm 2021 mà CBRE cập nhật sơ bộ đến ngày 23/9/2021 cho thấy Tp.HCM có khoảng 7.500 căn hộ mở bán, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Con số sơ bộ tại thành phố Hà Nội cũng khoảng 10.000 căn, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng chào bán tại Hà Nội nhỉnh hơn một chút so với Tp.HCM là do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư diễn ra ở TP nặng nề hơn. Nhìn chung, số lượng sụt giảm khá nhiều ở cả hai thành phố.

Một số liệu khác cũng được người mua khá quan tâm là giá bán. Theo chuyên gia CBRE Việt Nam, mặc dù khả năng chi trả và tổng thu nhập của người mua bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng giá bán trên thị trường sơ cấp tăng ở tất cả các phân khúc. Giá bán căn hộ trung bình ở Tp.HCM trong 9 tháng đầu năm nay là khoảng 2.260 USD/m2 và ở Hà Nội là khoảng 1.500 /m2, tăng 13-14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi nào thị trường căn hộ phục hồi? Trả lời câu hỏi này, bà Dung cho rằng, thời điểm nào thị trường sẽ phục hồi thì thực ra cũng khó nói vì chúng ta vẫn đang ở trong tâm dịch. Chừng nào còn dịch thì thị trường trường BĐS vẫn bị ảnh hưởng. Việc phục hồi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tiêm chủng vắc-xin. Chẳng hạn như tại Tp.HCM tốc độ tiêm chủng đang được đẩy rất nhanh và chính quyền đang cố gắng để mở cửa hoàn toàn vào tháng 1/2022. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch thì dự kiến thị trường căn hộ sẽ phục hồi dần vào tháng 1/2022. Còn việc khi nào phục hồi hoàn toàn thì thì còn phụ thuộc vào diễn biến chống dịch Covid sau đó có thuận lợi hay không. Điều này rất khó dự đoán, bước sang năm 2022 những điều kiện phục hồi của thị trường căn hộ sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Theo vị chuyên gia, phân khúc căn hộ vẫn dẫn dắt thị trường BĐS, bên cạnh những phân khúc khác như nhà ở gắn liền với đất. Để đặt lên bàn cân xem phân khúc nào chiếm ưu thế hơn, cũng khó vì nó phục vụ các đối tượng mua nhà khác nhau. Căn hộ là xu hướng đã hình thành và sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Vì đơn giản căn hộ đáp ứng được tất cả những tiêu chí mà người mua nhà, đặc biệt là người mua nhà tại các thành phố lớn đặt ra.

"Chúng ta thấy rằng nhu cầu của người mua, đặc biệt là người mua để ở vẫn còn rất mạnh mẽ. Bằng chứng là những dự án mà chủ đầu tư bằng cách này hoặc cách khác đưa ra thị trường trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các dự án trong phân khúc vừa túi tiền có tỷ lệ tiêu thụ rất tốt. Khi họ chia đợt ra bán thì gần như đợt chào bán nào cũng đạt mức tiêu thụ trên 80%. Điều đó có nghĩa là nhu cầu vẫn cao trong khi nguồn cung hạn chế. Do đó, các chủ đầu tư có xu hướng đưa giá bán cao hơn", bà Dung khẳng định.

Phương Nga
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.