Sếp đầu tàu du lịch Vietravel trải lòng: Lập hãng hàng không thì loạt máy bay nằm im lìm, vừa được thí điểm "hộ chiếu vaccine" thì Phú Quốc bùng dịch!
"Tất cả gần như kiệt quệ! Covid-19 đánh bật chúng tôi lùi lại "trạng thái" của 13 - 14 năm trước", Chủ tịch HĐQT Vietravel trải lòng. Du lịch Việt Nam từng đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa, đến tháng 6/2021, tất cả chỉ còn là con số 0...
"Cú đánh này mạnh quá!", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - cảm thán.
Vị Chủ tịch 63 tuổi thừa nhận: Covid-19 vượt qua tất cả những khó khăn từ trước đến nay mà ngành du lịch từng đối đầu, từ khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, dịch SARS 2002, cúm gia cầm 2003, khủng hoảng kinh tế thế giới 2008..., đẩy du lịch Việt Nam "về con số 0 tròn trĩnh".
Từng được gọi là "ngành công nghiệp không khói", "ngành kinh tế mũi nhọn", đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa, nay tất cả doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hàng vạn lao động mất việc.
"Năm 2020, biến động nhân sự mảng Lữ hành rất lớn. Số lượng nhân sự đi làm full công của mảng Lữ hành chỉ khoảng 42% - 45%, số còn lại phải nghỉ không lương", báo cáo thường niên năm 2020 của Vietravel cho biết.
Nhưng năm nay, tình hình còn ảm đạm hơn.
"Tất cả ở mức gần như kiệt quệ. Đây là một điều rất đau lòng. Vietravel là đơn vị đứng đầu ngành du lịch với 1.700 nhân viên, có những thời điểm đến cơ quan chỉ còn 15 - 20 người để duy trì hoạt động hành chính thông thường và bảo vệ cơ sở vật chất", ông Kỳ chia sẻ tại buổi đối thoại chuyên đề "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức mới đây.
"May ra doanh thu năm nay bằng được 1/10 năm 2019"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel. Ảnh: VNF.
2021, Vietravel có lẽ là doanh nghiệp 'đen đủi' nhất khi phải hứng chịu cơn bão kép, đánh lên cả mảng hàng không lẫn du lịch - hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bậc nhất trong Covid-19.
"Doanh thu của Vietravel một năm 7.000 - 8.000 tỷ đồng. Nếu từ nay đến Quý IV, Chính phủ cho đi "thẻ xanh, thẻ vàng", và tâm lý người dân được giải toả, may ra doanh thu của chúng tôi đạt được 10% của năm 2019".
"Vietravel chưa từng nghĩ bị Covid-19 đánh bật về quãng 2006-2007, chúng tôi đang bị lùi lại "trạng thái" của thời điểm 13-14 năm trước", ông Kỳ trải lòng.
Bên cạnh mảng du lịch đang bị đóng băng, Vietravel còn gánh thêm khoản lỗ cho "cú liều" mở hàng không vào cuối năm 2020, khi Covid-19 đang tạm yên ở Việt Nam nhưng vẫn phủ màu xám lên nền kinh tế các nước khác trên thế giới.
"Vietravel Airlines ra đời tháng 12/2020 với dự báo của rất nhiều chuyên gia lúc đó cho rằng năm 2021 hàng không sẽ khôi phục trở lại nhưng thực tế năm 2021 tình hình tệ hơn. Vietravel Airlines chỉ bay được đến tháng 5 phải dừng".
"Hàng trăm phi công, máy bay, tất cả nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng lớn. Chúng tôi cũng nằm trong tình trạng chung. Nhưng với ngành du lịch, đây là cú đánh mạnh quá!", Chủ tịch Vietravel cảm thán.
Đầu tư hàng không thì máy bay nằm im lìm, vừa được thí điểm "hộ chiếu vaccine" thì Phú Quốc bùng dịch!
Ảnh: Vietravel.
Ông Kỳ cho biết Vietravel vẫn đang nỗ lực tìm cách kéo lại cái ngành mà chúng ta gọi là "kinh tế mũi nhọn".
"Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang đến 11% GDP. 6 tháng năm nay chúng ta nhập siêu 1,47 tỷ USD, nếu giữ được du lịch thì có lẽ đã không bị nhập siêu và bù lại khoản đó", Chủ tịch Vietravel tính toán.
Ông cũng bày tỏ sự sốt ruột khi các nước cạnh tranh điểm đến với Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đang mở cửa đón khách.
"Dĩ nhiên chúng ta muốn mở phải an toàn vì tỉ lệ tiêm vaccine rõ ràng Việt Nam thì chưa bằng các nước xung quanh nên chưa yên tâm khi mở cửa. Ngay Phú Quốc, họp nhiều phiên để mở cửa nhưng đến sát ngày mở thì lại bùng dịch, giờ này đang cố gắng dập dịch và dự kiến chuyển sang cuối tháng 11 dù cho đây là vùng thí điểm", ông Kỳ nói.
Theo dự báo của Vietravel, tình hình du lịch đến cuối năm còn khó hơn nữa. Ngành du lịch Việt Nam có khả năng mất hết năm 2021 và chỉ bắt đầu hồi phục từ tháng 1/2022.
Chủ tịch Vietravel cũng nhận định du lịch hồi phục sẽ chủ yếu dựa vào cầu du lịch nội địa, chứ chưa thể dựa vào khách quốc tế.
"Tôi nói thật, chúng ta chỉ tính là người Việt Nam đi du lịch Việt Nam thôi. Nhưng từ nay cuối năm sẽ khó phục hồi. Phía Bắc sẽ phục hồi nhanh hơn. Trung tâm du lịch lớn nếu không có chính sách tiêm chủng nhanh thì đưa khách đến lại trở thành nguồn lây lan dịch bệnh", ông Kỳ bày tỏ lo ngại.
"Một tháng không có tiền trả lương cho nhân viên tôi cảm giác như kẻ ăn trộm ăn cắp, rất có lỗi"
"Doanh nghiệp tôi có 1.700 lao động, họ nuôi gia đình, con cái, bố mẹ, vợ con, ảnh hưởng như thế tôi đau lòng lắm. Một tháng không có tiền trả cho họ cảm giác như kẻ ăn trộm ăn cắp, rất có lỗi", ông Kỳ nói.
Tình hình cấp thẻ xanh thẻ vàng, theo ông Kỳ, mỗi tỉnh thành tự đặt ra theo tiêu chuẩn của mình, du khách khó đi xuyên vùng tỉnh này sang tỉnh kia vì có khi không thống nhất giữa các địa phương khác nhau. Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về Covid-19 cần khẳng định thẻ xanh đi cả nước, không được có rào chắn thì mới khai thông được luồng vận chuyển, giao thông vận tải và từ đó phục hồi du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch vẫn tự nhủ "phải sống cho đến lúc bình minh", tuy nhiên, giờ thu hút được lao động cũng không dễ. Vietravel có 1.700 người lao động nhưng nhận gói hỗ trợ du lịch thì chỉ có 141 người được nhận theo tiêu chí.
Ông Kỳ cũng bày tỏ mong sự hỗ trợ vào cuộc của Nhà nước thông qua định chế, cơ chế, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Ông ví von doanh nghiệp như con trâu đi cày, khi trâu ốm, khó thở thì đừng bàn chuyện cho thở bao nhiêu, nồng độ thế nào, mà hãy lắp máy thở trước đã.
Bảo BảoCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.