Shopee bắt đầu thu phí hạ tầng từ ngày 1/7
Từ ngày 1/7, Shopee sẽ áp dụng phí hạ tầng cho tất cả các giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên sàn. Mức phí là 3.000 đồng cho mỗi đơn hàng giao thành công, đã bao gồm VAT.
Ngày 12/6, sàn thương mại điện tử Shopee ra thông báo sẽ áp dụng phí hạ tầng 3.000 đồng/đơn hàng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng theo mức thuế hiện hành tại ngày phí hạ tầng được áp dụng) trên tất cả các đơn hàng được tạo từ 1/7/2025. Theo giải thích từ nền tảng này, đây là khoản phí dịch vụ nhằm duy trì và phát triển hệ thống kỹ thuật, đảm bảo hoạt động giao dịch diễn ra ổn định trên sàn TMĐT.
Khoản phí này sẽ được cấn trừ trực tiếp trên từng đơn hàng, trước khi tiền bán hàng được chuyển về Số dư tài khoản Shopee của người bán.
Phí mới sẽ áp dụng với tất cả đơn hàng được tạo từ ngày 1/7 trở đi, bao gồm các đơn giao thành công hoặc có yêu cầu trả hàng/hoàn tiền được chấp nhận ngay, ngoại trừ trường hợp người mua khiếu nại chưa nhận được hàng.

Ảnh minh họa: Internet
Hiện hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop đều đang áp dụng nhiều loại phí đối với người bán.
Tuy nhiên Shopee là sàn duy nhất triển khai loại phí mới có tên “phí hạ tầng”, chưa từng có trên thị trường. Động thái của Shopee xuất hiện trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117 quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của hộ, cá nhân kinh doanh. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1/7.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là quy định tổ chức quản lý nền tảng TMĐT trong và ngoài nước thuộc đối tượng khấu trừ, nộp thuế thay sẽ phải nộp thuế với mỗi giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát sinh doanh thu ở trong nước của người bán có hoạt động kinh doanh trên nền tảng.
Trước loạt thay đổi về chính sách thu phí, đặc biệt trên sàn Shopee, nhiều tiểu thương buộc phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. Một số khác lựa chọn chuyển hướng sang các kênh bán hàng khác như Facebook, Instagram… Bên cạnh áp lực từ việc tăng phí, một mối quan tâm lớn của những người bán hàng chân chính trên các sàn thương mại điện tử là vấn đề kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa.
Theo thống kê của Metric, đến cuối năm 2024, Shopee có hơn 276.000 shop thường đang hoạt động. TikTok Shop có hơn 204.000 gian hàng, bao gồm cả shop thường và shop mall.
Thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 tăng trưởng mạnh, nhưng số lượng nhà bán lại giảm. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt với các nhà bán cá nhân và nhỏ lẻ. Trên Shopee, số shop mall tăng từ 14.000 lên 16.000, nhưng có hơn 88.000 shop thường rút lui. Trên TikTok Shop, số lượng shop cũng giảm hơn 15.500, từ hơn 219.700 xuống 204.000.
Theo YouNet ECI, trong năm 2024, Shopee chiếm 66,7% và TikTok Shop chiếm 26,9% tổng giá trị giao dịch (GMV) trong nhóm 4 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành. Lazada và Tiki cộng lại chỉ chiếm 6,4% thị phần.
Huyền My (t/h)
Từ 15 giờ hôm nay, giá xăng, dầu trong nước đồng loạt giảm mạnh, với mức giảm phổ biến hơn 1.000 đồng/lít, giá xăng RON 95 xuống dưới 20.000 đồng/lít.