Siêu dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam trị giá 5,16 tỷ USD, khoản đầu tư lớn nhất ngoài Thái Lan của Tập đoàn SCG
Theo chia sẻ từ Giám đốc điều hành của Tập đoàn SCG, thì họ sắp trình hồ sơ xin cấp phép chính thức của 2 dự án mới: nâng cấp công suất cho dự án hiện tại và mở rộng cho giai đoạn 2 của dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Sở dĩ SCG chịu chi như thế vì họ thấy Việt Nam là thị trường rất tiềm năng trong lĩnh vực hóa dầu, nên muốn sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn SCG – ông Roongrote Rangsiyopash vừa có buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ để tiếp thu ý kiến chỉ đạo về việc mở rộng đầu tư giai đoạn 2 dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (LSP2) tại xã Long Sơn - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Roongrote Rangsiyopash chia sẻ sau buổi gặp gỡ: "Tập đoàn SCG rất vinh dự được tiếp kiến Ngài Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đang phát triển hai dự án mới và xin được tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Ngài Thủ tướng, bao gồm nâng cấp công suất cho dự án hiện tại và mở rộng cho giai đoạn 2 của dự án (LSP2).
Những dự án mới sẽ được triển khai trong cùng khu vực với dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam hiện tại, nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để mở rộng nhà máy. Hồ sơ xin cấp phép chính thức sẽ được trình tại thời điểm phù hợp tiếp theo.
Dự án LSP2 sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như polyme xanh thân thiện môi trường theo định hướng ESG (Môi trường, Xã hội, và Quản trị) nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Ngoài việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chúng tôi mong rằng hai dự án này sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn đồng thời phát triển nguồn nhân lực trong tương lai; nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường công nghiệp hóa dầu và các ngành công nghiệp có liên quan tại Việt Nam".
Ông Roongrote Rangsiyopash và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo quy hoạch trước đây, Tổ hợp sẽ bao gồm một nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp với quy mô thế giới, các nhà máy hạ nguồn polyolefins (HDPE, PP và LLDPE), cụm phụ trợ trung tâm, hệ thống cảng - cầu cảng và các hạng mục liên quan khác. Công suất sản xuất hàng năm dự kiến là 1,35 triệu tấn olefin và 1,4 triệu tấn polyolefin.
Tổng vốn đầu tư của Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam lên đến 5,16 tỷ USD. Việc Tập đoàn SCG tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành công nghiệp hóa dầu tại Việt Nam làm nó ở thành mảng đầu tư lớn nhất của Tập đoàn SCG ngoài Thái Lan.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm: tiến độ triển khai dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường. Mục tiêu của dự án là sẽ khởi động từng hạng mục của Tổ hợp trong năm 2022 và vận hành toàn bộ Tổ hợp vào đầu năm 2023. Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam khởi công xây dựng từ năm 2018.
"Việt Nam là thị trường rất tiềm năng trong lĩnh vực hóa dầu, bởi hiện nay vẫn phải nhập khẩu ròng hạt nhựa do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Việc Tập đoàn SCG tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam như nhằm để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nội địa Việt Nam", Chủ tịch Tập đoàn SCG giải thích lý do vì sao doanh nghiệp của ông chịu chi như thế.
Dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021, tổng tài sản của SCG tại Việt Nam đạt 146.794 tỷ đồng (6,442 tỷ USD), tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ hoạt động của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP).
Mới đây, SCG vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh trước kiểm toán của tập đoàn trong năm tài chính 2021: ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 380.145 tỷ đồng (16,576 tỷ USD), tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ cải thiện kết quả của tất cả hoạt động kinh doanh, đặc biệt do giá và sản lượng các các sản phẩm hóa dầu tăng.
Tổng lợi nhuận của năm là 33.829 tỷ đồng (tương đương 1,475 tỷ USD), tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự tăng trưởng của ngành hoá dầu.
Quỳnh NhưKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.