Số ca COVID-19 'lập đỉnh' Hà Nội cần kiểm soát, không để ca mắc tăng cao
Những ngày gần đây, các ca mắc COVID-19 ở Hà Nội liên tục tăng cao, nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng. Các chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, tránh gây quá tải hệ thống y tế khiến người bệnh không được điều trị kịp thời.
- Đề xuất người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine Covid-19 chỉ phải cách ly tại nhà 3 ngày
- Quốc gia ghi nhận gần 80.000 ca COVID-19 mới: Biến thể Omicron là 'mối đe dọa lớn nhất'
- Ảnh: Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, người dân vẫn chủ quan trong phòng chống dịch bệnh
- Toàn cảnh: Hà Nội vượt mốc 20.000 ca Covid-19, dịch diễn biến phức tạp
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/12, thành phố Hà Nội có 1.357 ca mắc COVID-19, trong đó có 611 ca cộng đồng. Đây cũng là số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng cao nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4 đến nay) là 21.467 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 8.223 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 13.244 ca.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ví dụ, P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) với số dân lên tới 90.000 người mà chỉ có 1 trạm y tế phường, vì vậy, phải tính toán bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.
Ngành y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng khi thành phố thực hiện nới lỏng các hoạt động, việc người dân đi lại nhiều, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 với người lành là điều không thể tránh khỏi.
“Hiện nay đa phần số ca F0 đều không có triệu chứng, do đó tại những nơi đông người, nơi công sở nếu không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi đó sẽ tạo ra nhiều F0, xuất hiện nhiều ổ dịch mới”- ông Phu nói.
Vì vậy theo PGS Trần Đắc Phu, việc số ca mắc tăng cao trên địa bàn thành phố trong thời điểm này là điều đương nhiên và có thể trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề hiện nay TP Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng cao thêm nữa. Chuyên gia phân tích, nếu số F0 tăng cao quá sẽ khiến hệ thống y tế quá tải. Khi đó người bệnh sẽ không được tiếp cận với hệ thống y tế và được điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp mắc COVID-19 chuyển bệnh nặng, nguy cơ tỷ lệ ca mắc tử vong tăng cao. “Trong lúc này, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất”- PGS Trần Đắc Phu nêu rõ.
Đặc biệt, Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, các dịp lễ, hội, kỳ nghỉ cuối năm không tập trung đông; không đi lại khi không thật cần thiết. Các yếu tố nguy cơ càng hạn chế càng tốt, giảm thấp nhất lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng và bùng phát. “Chúng ta xác định sống chung với COVID-19 không có nghĩa là cho phép chủ quan, mà luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K”, ông Phu nói.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine của người dân trên địa bàn rất cao, chiếm tỷ lệ hơn 95% vì vậy hầu hết các ca mắc COVID-19 đều ở thể nhẹ và không có triệu chứng, có thể điều trị tại nhà hoặc ngay tuyến y tế cơ sở.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP Hà Nội đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh. Theo đó, TP đã thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố. Các cơ sở này đã hoạt động tốt và đáp ứng được khoảng 22.000 giường bệnh. Các cơ sở thu dung quận, huyện đáp ứng khoảng 70.000 giường bệnh, còn lại các bệnh viện thu dung các bệnh nhân trung bình, nặng và nguy kịch là 8.000 giường bệnh.
Đồng thời ngành y tế TP cũng tổ chức phân tầng đảm bảo khoa học, tránh việc quá tải tuyến trên. Với tầng 1, người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ, không triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung tuyến thành phố. Tầng 2 là người bệnh được điều trị tại tuyến huyện, chuyên khoa tuyến thành phố. Tầng 3 là điều trị tại bệnh viện hạng 1 và các bệnh viện tuyến Trung ương.
Bà Hà cũng cho biết, Sở Y tế Hà Nội cũng quán triệt các bệnh viện tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng để giảm tải hệ thống y tế; Đồng thời thường xuyên tập huấn kiến thức, cập nhật phác đồ mới, kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại các tỉnh phía Nam cho nhân viên y tế.
HM (T/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.