Số ca COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều tỉnh nâng cấp độ dịch, điều trị F0 nhẹ ở nhà

Xã hội
02:53 PM 01/12/2021

Tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều tỉnh vẫn tăng số ca mắc mới nên buộc phải nâng cấp độ dịch, chuyển hướng điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

Một số địa phương nâng cấp độ dịch

Tại Cần Thơ, số F0 mới phát sinh tăng quá cao liên tiếp những ngày gần đây, đặc biệt dịch diễn biến phức tạp nhất tại quận trung tâm Ninh Kiều, với hàng loạt ổ dịch tại các khu vực dân cư đông đúc.

Theo Sở Y tế TP, tình hình dịch trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp. Hiện Cần Thơ áp dụng các biện pháp chống dịch ở cấp độ 3 tuy nhiên, do không đạt yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin nên Sở Y tế đề nghị tăng lên cấp độ 4.

Số ca COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều tỉnh nâng cấp độ dịch, điều trị F0 nhẹ ở nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chính quyền TP Cần Thơ khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Yêu cầu người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến nơi tập trung đông người… Trước tình hình quá tải điều trị, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã phân loại lại các tầng điều trị tại một số bệnh viện, để gia tăng số giường dành cho bệnh nhân trung bình và nặng tại bệnh viện.

Với số lượng ca mắc COVID-19 mới liên tục tăng nhanh trong tuần qua, hôm nay (1/12) Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cấp độ dịch từ nguy cơ trung bình (cấp 2) lên nguy cơ cao (cấp 3).

Tỉnh Vĩnh Long nâng cấp độ dịch từ cấp 2 (nguy cơ trung bình - vùng vàng) lên cấp độ 3 - (nguy cơ cao - vùng cam) từ ngày 30/11. Động thái này được đưa ra khi những ngày qua, số ca F0 ở Vĩnh Long tăng mạnh, trong đó có rất nhiều ca trong cộng đồng.

Theo văn bản hỏa tốc do Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ký, từ 0h ngày 29/11, tỉnh áp dụng biện pháp chống dịch ở cấp độ 3 (trước đó ở cấp độ 2). Tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện ở vùng cam; 2 ở vùng vàng và 2 ở vùng xanh.

Tỉnh phân loại cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với cấp huyện và cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết, hạn chế số lượng người làm việc tại cơ quan và không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa thật sự cần thiết trong thời gian này để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chuyển hướng điều trị F0 tại nhà

Ngày 30/11, Hà Nội đã ghi nhận số ca mắc và số ca cộng đồng kỷ lục từ trước đến nay. Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 29/11 đến 18h ngày 30/11, TP ghi nhận 468 ca dương tính với SARS-CoV-2 (tăng 78 ca so với ngày trước đó), trong đó có 274 ca tại cộng đồng, 138 ca tại khu cách ly và 56 ca tại khu phong tỏa.

Theo công bố cấp độ dịch mới nhất của Hà Nội, TP vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng), như cách đây 1 tuần. TP có 2 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng là phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) và xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) được đánh giá ở cấp độ 3.

Số ca COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều tỉnh nâng cấp độ dịch, điều trị F0 nhẹ ở nhà - Ảnh 2.

Trước tình hình số ca F0 tăng cao trong những ngày gần đây, nhất là số ca nhẹ, không triệu chứng, Hà Nội đã chuẩn bị quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế, song song với việc điều trị F0 tại trạm y tế lưu động tại xã, phường.

Tại Hậu Giang, ngày 13/11, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai tổ chức thực hiện cách ly y tế F1 và thực hiện quản lý, chăm sóc người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà theo các Kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt (chọn và làm thí điểm một số ấp, xã đảm bảo đủ điều kiện, an toàn theo quy định).

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy Tổ COVID cộng đồng hoặc có thể kiện toàn thành Tổ phòng, chống dịch COVID-19 của ấp, khu vực nhằm củng cố lực lượng, sắp xếp, phân công lại phù hợp theo từng địa bàn và có phân công quản lý từng hộ gia đình cụ thể.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết ưu tiên các trường hợp F1 và F0 không triệu chứng điều trị, cách ly tại nhà. Hiện toàn tỉnh có gần 780 F1 được cách ly tập trung và hơn 8.000 F1, F2 và người về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe tại nhà. Cán bộ y tế của các huyện được phân bổ sẽ đi tới từng điểm để hỗ trợ cho bà con khi có triệu chứng bất thường.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng ngày 29/11 cũng ra văn bản thí điểm cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà hoặc nơi lưu trú, thời gian trong tháng 12.

Tại Đà Nẵng, mỗi ngày giao động trên 65-66 ca nhiễm mới. TP đã tiêm vắc xin mũi 1 cho hơn 98% người trên 18 tuổi; trên 75% người đã được phủ đủ 2 mũi. Đa số các bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 lần này ở thể nhẹ và không triệu chứng. Một số bệnh nhân nặng nhưng rơi vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền và chưa được tiêm chủng.

Tình hình dịch bệnh tại tỉnh Khánh Hòa cũng diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến nay, tỉnh này đã ghi nhận tổng cộng hơn 13.000 ca mắc COVID-19. Chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 14 - 28/11), tỉnh này đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới.

Với số ca mắc gia tăng, đặc biệt là trong cộng đồng, Khánh Hòa lên nhiều phương án phòng chống dịch, trong đó có việc triển khai điều trị F0 tại nhà. Việc điều trị này phải đảm bảo theo đúng các quy định của ngành y tế.  Ngành y tế địa phương đã triển khai gần 140 trạm y tế lưu động tại các xã, phường trên địa bàn để đáp ứng cho việc chăm sóc, điều trị các F0 tại nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu hôm 17/11 cũng đã phê duyệt kế hoạch của Sở Y tế về cách ly điều trị người nhiễm COVID-19 không triệu chứng tại nhà. Theo đó, F0 không triệu chứng trong độ tuổi từ trên 12 tháng đến dưới 50 tuổi, đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin, hoặc không có bệnh nền... mới được xem xét cách ly điều trị tại nhà.

Từ nửa đầu tháng 11, tỉnh Cà Mau cũng chủ trương điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà và tại cơ sở, nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Động thái điều trị F0 thể nhẹ tại nhà ở Cà Mau được đưa ra trong bối cảnh các cơ sở điều trị F0 của tỉnh này sắp quá tải. Số F0 trong ngày ở Cà Mau hầu như duy trì mức 3 con số.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.