Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới vượt 1 triệu người

Tiêu điểm
09:38 AM 28/09/2020

Tính đến 6h ngày 28/9, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 33.290.383 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca tử vong đã vượt 1 triệu, lên 1.001.696 trường hợp, 24.608.753 bệnh nhân bình phục.

Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới vượt 1 triệu người - Ảnh 1.

Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới vượt 1 triệu người

3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 lần lượt là Mỹ với gần 7,32 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 209.445 ca tử vong; Ấn Độ với hơn 6,07 triệu ca mắc, trong đó có 95.574 ca tử vong; Brazil với hơn 4,73 triệu ca mắc, trong đó có 141.741 ca không qua khỏi.

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khu vực và cao thứ 4 thế giới là Nga với 1.151.438 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó, số người không qua khỏi là 20.324. Hiện, Nga đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 20/6 với 7.867 trường hợp, nghiêm trọng nhất là ở Moscow, nơi có số ca nhiễm cao nhất kể từ cuối tháng 6.

Hôm 25/9, Thị trưởng thủ đô Moscow Sergei Sobyanin đã buộc phải yêu cầu người lớn tuổi ở trong nhà và đề nghị giới chủ cho nhân viên làm việc ở nhà, cảnh báo rằng, việc đồng thời cảm lạnh và nhiễm Covid-19 khi mùa Đông đang tới rất nguy hiểm đối với người có tuổi và những người thể trạng yếu.

Hà Lan cũng ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay với 2.995 ca. Tính từ giữa tháng 9 tới nay, hầu như ngày nào số ca mắc mới tại Hà Lan cũng tiến đến mốc cao mới. Ngày có số ca cao kỷ lục được ghi nhận lần gần nhất là 26/9 với 2.777 ca. Tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này đã vượt ngưỡng 100.000 từ đầu tuần trước. Tính đến 27/9, Hà Lan ghi nhận tổng cộng 6.374 ca tử vong vì dịch bệnh.

Ấn Độ tiếp tục duy trì số ca nhiễm mới trong ngày ở mức hơn 80.000 ca, là quốc gia có số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Cho đến nay, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ chiếm 3/5 tổng số ca nhiễm toàn châu lục và đã vượt mốc 6 triệu ca.

Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới Covid-19 ở mức dưới 100 ca trong bối cảnh Seoul tăng cường phòng chống dịch lây lan trước dịp Tết Trung Thu sắp tới.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, với 95 ca nhiễm mới, trong đó có 73 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 23.611 ca. Thách thức lớn nhất đặt ra hiện nay là việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát các ca mắc Covid-19 trong dịp Tết Trung Thu (từ ngày 30/9 - 2/10 tới) - thời điểm người dân thường đi lại nhiều và sum họp bên gia đình.

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 3.874 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 275.213 ca. Quốc gia này cũng ghi nhận thêm 78 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong lên 10.386 ca. Tổng cộng có 203.014 bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia đã hồi phục sau khi có thêm 3.611 người xuất viện trong một ngày qua.

Trong khi đó, tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines đã tăng lên 304.226 ca sau khi ghi nhận thêm 2.995 ca mắc mới. Bộ Y tế Philippines cho biết, số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 19.630 lên tổng cộng 252.510 người. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 5.344 ca.

Malaysia phát hiện thêm 3 ổ dịch mới, trong đó có 2 ổ dịch ở bang Sabah miền Đông và 1 ổ dịch ở thủ đô Kuala Lumpur. Tính đến ngày 27/9, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.919 ca mắc bệnh, trong đó có 134 ca tử vong, 9.835 bệnh nhân đã phục hồi (tỷ lệ phục hồi 90%).

Iran, điểm nóng dịch bệnh Trung Đông, ghi nhận thêm 3.362 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 446.448 ca, trong đó, 25.589 ca đã tử vong, cao hơn 195 ca so với một ngày trước đó. Hiện 26 trên tổng số 31 tỉnh của Iran trong tình trạng nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Iran ghi nhận các ca bệnh đầu tiên hồi tháng 2 vừa qua.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tái khẳng định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 là xuất phát từ tự nhiên. Trong cuộc họp báo về đại dịch Covid-19 hôm 25/9, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bác bỏ các tuyên bố liên quan tới nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, đồng thời khẳng định "virus xuất phát từ tự nhiên".

"WHO tin vào khoa học và bằng chứng thực tế, chính vì vậy chúng tôi kêu gọi thúc đẩy khoa học, giải pháp và đoàn kết", ông Tedron nêu rõ.

Nhiều nghiên cứu về nguồn gốc SARS-CoV-2 phần lớn đều cho thấy virus này nhiều khả năng bắt nguồn từ tự nhiên hơn là nhân tạo từ bất kỳ cơ sở nào.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.