Số doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD trên HOSE giảm nhẹ
Trên HOSE, số lượng doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD năm 2024 ghi nhận 40 doanh nghiệp, giảm 2 doanh nghiệp so với năm trước đó.
Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, trên HOSE có 40 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD; trong đó, có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).
So với thời điểm cuối năm 2023, số lượng doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD năm qua ít hơn 2 doanh nghiệp. Đáng chú ý, Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE trong năm 2024 có nhiều biến động so với năm trước đó.
Trong số đó, VCB vẫn là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường (509.725 tỷ đồng) và BID duy trì đứng ở vị trí thứ 2 với 259.002 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở các vị trí sau đó lại có sự thay đổi khá lớn.
Năm 2024, chỉ số ngành công nghệ thông tin ghi nhận tăng mạnh nhất sàn HOSE, qua đó đã giúp Công ty cổ phần FPT (mã: FPT) vươn lên đứng vị trí thứ 3 trong danh sách này, thay vì vị trí thứ 10 vào cuối 2023. Cổ phiếu FPT đã tăng hơn 80% trong năm qua, kéo theo vốn hóa của Tập đoàn này tăng "khủng" thêm hơn 100.000 tỷ đồng, lên 224.338 tỷ đồng vào cuối 2024.
Hai vị trí tiếp theo thuộc về 2 ngân hàng, lần lượt là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) đạt 202.986 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) 174.149 tỷ đồng. Các thứ hạng này đều tăng đáng kể so với năm trước đó; trong đó, CTG từ vị trí thứ 8 lên vị trí 4, còn TCB tăng mạnh từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 5.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát không có nhiều biến động mạnh trong năm qua và Tập đoàn này vẫn giữ vị trí thứ 6 trong Top 10 vốn hóa lớn nhất sàn HOSE. Kết thúc năm 2024, vốn hóa của Hòa Phát ghi nhận ở mức 170.460 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản trầm lắng khiến cho nhóm cổ phiếu bất động sản không có nhiều biến động trong năm qua, thậm chí nhiều cổ phiếu còn tăng trưởng âm. Vốn hóa của Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) theo đó cũng bị giảm mạnh, từ vị trí thứ 3 năm 2023 xuống vị trí thứ 7 trong năm 2024. Tính đến 31/12/2024, vốn hóa của VHM chỉ còn 164.296 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 24.000 tỷ đồng.
3 cái tên còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS); Tập đoàn Vingroup (VIC) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB). Đáng kể, vị trí của cả 3 doanh nghiệp này đều đi lùi so với năm 2023. Trong đó, GAS từ vị trí thứ 4 rớt xuống vị trí thứ 8; VIC từ vị trí thứ 5 lui về vị trí thứ 9 và VPB từ vị trí thứ 7 rời xuống thứ 10.
Tính đến cuối năm 2024, trên HOSE có 527 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch. Trong đó, có 393 mã cổ phiếu, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 16 mã chứng chỉ quỹ ETF và 114 mã chứng quyền có bảo đảm với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt hơn 168,54 tỷ chứng khoán. Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50,95% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), chiếm hơn 93,92% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.
An Mai (t/h)Thị trường dệt may trong năm 2025 được nhận định có nhiều cơ hội đan xen rủi ro bởi những yếu tố mới về chính trị từ những nhà nhập khẩu lớn và tăng nhiệt cạnh tranh.