Số F0 tăng cao, một số tỉnh ở miền Tây nâng cấp độ chống dịch, siết chặt giãn cách

Sức khỏe
10:26 AM 08/11/2021

Nhiều tỉnh, thành ở miền Tây những ngày qua ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, trong đó nhiều ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Hiện một số địa phương đã nâng cấp độ chống dịch trong thời gian gần đây.

Từ 5h ngày 8/11, tỉnh An Giang áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam) trong phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh. Như vậy An Giang đã nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3.

UBND tỉnh An Giang quy định các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch như: không quá 20 người/hoạt động trong cùng một thời điểm. Người tham gia đã được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng.

Riêng đối với người tham gia từ 65 tuổi trở lên phải được tiêm vắc xin đủ liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng. Tỉnh tạm dừng giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. An Giang tạm dừng hoạt vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa.

Số F0 tăng cao, một số tỉnh ở miền Tây nâng cấp độ chống dịch, siết chặt giãn cách - Ảnh 1.

Từ ngày 8/11, An Giang phòng, chống dịch ở cấp độ 3. Ảnh: Hòa Trang

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ, chợ đầu mối, truyền thống được phép hoạt động trong phạm vi từ 50% đến dưới 70% quy mô công suất, tuân thủ 5K.

Nhân viên, người lao động đã được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống: áp dụng hình thức bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ.

Chủ cơ sở, nhân viên phải được tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng hoặc có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72h

Tỉnh tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke (kể cả karaoke loa kéo); game; massage; phố đi bộ; chợ đêm. Bán hàng rong, vé số dạo, được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, tuân thủ 5K, phải được tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi sau 14 ngày.

Như vậy, An Giang là tỉnh, thành thứ 4 tại ĐBSCL quyết định nâng cấp độ dịch. Trước đó, TP Cần Thơ, Sóc Trăng đã nâng cấp độ dịch từ 1 lên 2. 

Tại Bạc Liêu, từ ngày 1/11 đến 6h sáng 7/11, tỉnh ghi nhận hơn 1.600 F0; trong đó, có hơn 660 ca cộng đồng. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Tây nâng cấp độ dịch từ 2 lên 4. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định bổ sung một phần quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó, yêu cầu người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa vào Bạc Liêu phải khai báo y tế đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin. Nếu khai báo không trung thực, để phát sinh dịch sẽ bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, hàng loạt quận, huyện, thành phố của các tỉnh miền Tây cũng “đổi màu” do số lượng F0 phát hiện trong cộng đồng rất lớn.

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu, người dân hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.

Tại Hậu Giang, ngày 6/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh ký công văn về việc tăng cường một số biện pháp nhằm sớm kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Theo đó, từ 8/11 tỉnh Hậu Giang yêu cầu người dân tuyệt đối không ra đường từ 21h đến 4h trừ trường hợp: cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, thiên tai; phóng viên, biên tập viên cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư, báo, công nhân vệ sinh môi trường đô thị... Các nhà hàng, quán ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về. Theo Chủ tịch tỉnh này, sau một thời gian triển khai, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải trí được khôi phục, cuộc sống người dân dần ổn định.

Tuy nhiên, người dân trở về từ vùng dịch hiện còn nhiều, đặc biệt có trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực nên làm phát sinh nhiều ổ dịch trong cộng đồng và đến nay chưa kiểm soát được. Do đó, tỉnh công bố các quyết định trên và yêu cầu người dân thực hiện từ 6h ngày 8/11 cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, các tỉnh, thành như: TP Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh… đều ghi nhận nhiều ca F0 trong những ngày qua.

Tình hình dịch tại các tỉnh, thành miền Tây đang diễn biến phức tạp. Các địa phương đang đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người dân, cũng như tổ chức xét nghiệm tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trong tình hình mới.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn