Sở GD&ĐT Hà Nội: Sẽ đề xuất tổ chức học bán trú trở lại cho học sinh tiểu học

Giáo dục
02:42 PM 11/02/2022

Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở sẽ đề xuất với UBND thành phố về việc cho học sinh các khối học bán trú trở lại.

Ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện ngoại thành Hà Nội trở lại trường để học tập trực tiếp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức học bán trú, căng tin ăn uống trong trường.

Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn. Bởi trước đây, trường có học bán trú, phụ huynh chỉ đưa con đến trường vào buổi sáng và đón vào cuối chiều, phù hợp với thời gian đi làm và tan ca. Các con sẽ ăn và nghỉ trưa tại trường để tiếp tục các tiết học buổi chiều. Nay các trường chưa tổ chức bán trú, phụ huynh phải tất tả đón con sau giờ học buổi sáng khiến công việc không thể đảm bảo. 

Sở GD&ĐT Hà Nội: Sẽ đề xuất tổ chức học bán trú trở lại cho học sinh tiểu học - Ảnh 1.

Ngày đầu được đến trường của học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ, Sở GD&ĐT thấu hiểu những khó khăn, bất tiện của phụ huynh trong tuần đầu cho con trở lại trường, đặc biệt là nguyện vọng mở cửa bán trú trở lại.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT tính toán kỹ lưỡng các phương án và sớm có lộ trình đề xuất lên UBND thành phố về việc cho phép các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, học sinh đến trường trong điều kiện bình thường mới.

Khi tổ chức cho học sinh quay trở lại trường, Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại.

Sở GD&ĐT Hà Nội: Sẽ đề xuất tổ chức học bán trú trở lại cho học sinh tiểu học - Ảnh 3.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, việc trẻ em ăn nghỉ, nằm cùng phòng cũng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu phòng ăn, lớp học không thông thoáng.

Tuy nhiên, theo ông Phu, hiện nay, việc phòng dịch bệnh ở các nhà trường cũng đạt được mức cao. Ngoài ra, chúng ta cũng chuyển trạng thái sang thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả và có thể chấp nhận F0 chứ không phải tuyệt đối “zero F0” như trước.

Sở GD&ĐT Hà Nội: Sẽ đề xuất tổ chức học bán trú trở lại cho học sinh tiểu học - Ảnh 2.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. (Ảnh: Bộ Y tế)

Ngoài ra, theo ông Phu, trong giai đoạn này, nếu để trẻ ở nhà, trẻ vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm COVID-19 nếu không phòng bệnh tốt. Bởi hiện nay, việc lây nhiễm trong cộng đồng cũng rất nhiều, số lây trong gia đình cũng khá lớn. Do đó, cần cân đối rủi ro lây nhiễm khi ở trường, ở nhà và cả những bất tiện khi học sinh phải ở nhà nhiều, rồi phụ huynh bất tiện, khổ sở việc đi làm cả ngày nhưng buổi trưa phải về đón con.

“Như vậy, dù ở đâu đi chăng nữa, nếu việc phòng bệnh không tốt thì trẻ cũng đều có thể bị lây nhiễm. Xét về rủi ro của việc cho trẻ đến trường với rủi ro về thể chất, tinh thần khi trẻ ở nhà cùng sự bất cập, khó khăn cho phụ huynh khi đưa đón học sinh nếu học 1 buổi/ngày; tôi cho rằng không cần thiết phải cho trẻ chỉ học 1 buổi/ngày, bỏ bán trú, mà có thể cho trẻ ở bán trú song cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh”, ông Phu nói.

Ông Phu cho rằng, các nhà quản lý, phụ huynh cũng cần hiểu, nếu đã lây nhiễm thì trong 1 buổi đi học trong ngày đã có thể lây. “Tất nhiên, thời gian học 1 buổi thì cơ hội lây nhiễm sẽ thấp hơn thời gian học cả ngày, nhưng khi về nhà cũng có thể bị lây chứ không như trước khi mà số ca nhiễm trong cộng đồng còn ít”, ông Phu nói.

Lưu ý thêm khi các trường mở cửa trở lại, ông Phu cho rằng các nhà trường cần trang bị thêm các kiến thức về phòng dịch, hay đơn giản xác định chính xác như thế nào là F0, F1,... tránh việc chỉ có 1 F0 trong 1 lớp mà cho cả trường nghỉ học. Ngoài ra, ông Phu nhấn mạnh, các nhà trường vẫn cần giữ sự tập trung, không chủ quan, đảm bảo đầy đủ các quy định về 5K,...

Mới đây, trong buổi kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục tại Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều. Yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ. Do vậy, việc cần làm hiện nay là ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết.

"Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng phối hợp cùng nhà trường xử lý hiệu quả hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.