Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện lập dự án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố".
Dự dự án trước đó đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất chi 500 triệu đồng ngân sách thành phố để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2023. Sau đó, dự án dự kiến khởi công từ năm 2023 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, cân đối vốn để thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.
Trên cơ sở đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) xin được tự bỏ kinh phí nghiên cứu, lập đề xuất dự án, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND thành phố xem xét, quyết định, đồng thời hướng dẫn công ty ITD lập hồ sơ đề xuất dự án.
Theo đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong trước đó, dự án sẽ đầu tư 36 cổng thu phí đa làn không dừng và một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.
Các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín xung quanh khu trung tâm (quận 1, 3), gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Nhà đầu tư đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh khung giờ cao điểm 6h - 9h và 15h - 9h. Mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ôtô biển xanh. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm. Taxi đăng ký tại TP Hồ Chí Minh sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe.
Dự án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố" thực hiện án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) hoặc BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ).
Tổng vốn đầu tư dự án 2.231 tỉ đồng, trong đó chi phí đầu tư dự án 448 tỉ đồng và chi phí vận hành 1.783 tỉ đồng.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân" trên địa bàn được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, bao gồm nhiều nhóm giải pháp. Trong kế hoạch triển khai đề án này, cùng việc phát triển vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ đồng thời hạn chế xe cá nhân.
Về giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gồm có giải pháp kinh tế và hành chính. Trong đó giải pháp thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố cần được sớm xem xét, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tạo động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, việc thu phí ô tô vào trung tâm cũng góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực trung tâm thành phố trong khi hạ tầng giao thông đường bộ chưa thể đầu tư mở rộng theo quy hoạch.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy. Bình quân mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có 79 ôtô và 309 xe máy đăng ký mới.
Quang Lộc (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.