Số hóa DNVVN sẽ đóng góp 30 tỷ USD vào GDP Việt Nam vào 2024
Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam có thể đóng góp từ 24 - 30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024.
Theo Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Công ty Cisco, thực tế hiện nay, tại Việt Nam có tới 72% DNVVN đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019.
Hiện, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp đang tập trung vào 3 lĩnh vực gồm nâng cấp phần cứng CNTT (chiếm 18%), công nghệ đám mây (18%) và an ninh mạng (11%).
Kết quả nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của DNVVN khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cho thấy: “Quá trình số hóa của các DNVVN tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19”.
Bất chấp những thách thức, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tiếp tục đạt được những bước tiến trong hành trình chuyển đổi số. Theo đó, có tới 16% doanh nghiệp trong nhóm đang trong giai đoạn trưởng thành số hóa, tức là đã có chiến lược ứng dụng các công nghệ số hoặc chiến lược số hóa tích hợp và tập trung đổi mới liên tục. Con số này tăng cao so với 11% của năm 2019.
Hơn một nửa số doanh nghiệp thuộc khối này đã bắt đầu có những nỗ lực chuyển đổi số nhưng những nỗ lực còn rời rạc, nhỏ lẻ. Chỉ có 31% số doanh nghiệp vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và hầu như không có bất kỳ nỗ lực nào để chuyển đổi kỹ thuật số.
“Số hóa không còn là một lựa chọn mà đã trở thành vấn đề sống còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp chuyển sang ưu tiên số hóa, trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ nhằm đảm bảo tính liên tục và khả năng phục hồi của hoạt động kinh doanh”, ông Daniel-Zoe Jimenez, Phó Chủ tịch, Giám đốc nghiên cứu chuyển đổi số và doanh nghiệp vừa và nhỏ của IDC chia sẻ.
Tại thị trường Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp vẫn rất thờ ơ với công nghệ. Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không nỗ lực chuyển đổi số. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc khối này chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nằm sau Philippines và Indonesia về chuyển đổi số.
“Doanh nghiệp nhỏ vẫn còn đang chật vật trước những khó khăn để từng bước chuyển mình trong lộ trình số hóa”, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho hay.
Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khối doanh nghiệp này chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước.
Theo nhận định, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số hóa của các doanh nghiệp Việt sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước sau đại dịch.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.