Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định: Thực hiện tốt các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa
Nam Định là một trong những địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tỉnh này đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng thụ hưởng chính sách; bồi đắp, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Hiện nay, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định đang quản lý trên 36.000 liệt sỹ; 2.886 bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 25.000 thương binh, gần 16.000 bệnh binh; trên 800 người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; với tổng số trên 200.000 người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, bằng khen các loại.
Để tri ân những người, những gia đình đã hiến dâng máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc, Nam Định đã chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần người có công và các gia đình chính sách. Tính đến ngày 20/11/2020, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định đã giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân của họ và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công là trên 55.000 lượt người. Trong đó: Chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng là gần 31.000 trường hợp, gồm: chế độ mai táng phí; chế độ điều dưỡng; chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình; chế độ trợ cấp một lần, hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ một lần đối với liệt sỹ mới công nhận; chế độ thương binh mới công nhận… Chế độ chính sách đối với thân nhân người có công với cách mạng là gần 22.000 trường hợp, gồm: chế độ tiền tuất hàng tháng; chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo; chế độ thờ cúng liệt sỹ; chế độ bảo hiểm y tế... Chế độ chính sách đối với các diện đối tượng liên quan đến lĩnh vực người có công là gần 2.600 trường hợp. Sở cũng đã thực hiện thẩm tra danh sách 42.377 người có công, thân nhân người có công được hỗ trợ kinh phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc 9 huyện và thành phố Nam Định. Tổng số tiền duyệt đề nghị hỗ trợ là 63.424.500.000 đồng.
Chăm lo hiệu quả công tác "Đền ơn đáp nghĩa"
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc với các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH tỉnh, trong 11 tháng của năm 2020, Sở đã đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" và xã hội hóa đối với các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Nổi bật là các hoạt động như: Đoàn đại biểu của tỉnh đã đi thăm, viếng và thực hiện các hoạt động tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị; đưa 4 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng dự Hội nghị Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 tại TP Hà Nội; đưa 1 đại biểu là thân nhân liệt sỹ đi dự Lễ trao Bằng "Tổ quốc ghi công" do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam…
Cũng trong 11 tháng qua, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định đã tổ chức thăm hỏi, động viên, cấp phát quà tặng cho trên 60.000 người có công và thân nhân liệt sỹ, với tổng số tiền là trên 41 tỷ đồng (trong đó: Quà của Chủ tịch nước là 12,26 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là 18,1 tỷ đồng; quà của cấp huyện, xã và các tổ chức cá nhân là 10,5 tỷ đồng). Đồng thời, thăm hỏi, tặng quà các Trung tâm và thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Nam Định đang an dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công ở tỉnh ngoài (gồm các Trung tâm: Nho Quan - Ninh Bình; Thuận Thành - Bắc Ninh; Lạng Giang - Bắc Giang; Kim Bảng, Liêm Cần, Duy Tiên - Hà Nam, Long Đất - Bà Rịa Vũng Tàu).
Về công tác "Đền ơn đáp nghĩa", toàn tỉnh đã có 13 nhà ở của người có công với cách mạng được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; với tổng số tiền là gần 400 triệu đồng; xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ở cả 3 cấp đã thu được gần 7 tỷ đồng; xây dựng, tu sửa mộ, nghĩa trang liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sỹ đối với 41 công trình tại các địa phương; với tổng kinh phí thực hiện là gần 34 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh thực hiện khám bệnh, thăm hỏi, hỗ trợ trên 800 gia đình người có công bị ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá là gần 350 triệu đồng.
Lan tỏa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong thế hệ trẻ
Trong thời gian đến, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định sẽ chủ động tham mưu, phối hợp các ngành, địa phương, tổ chức xã hội tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, đồng thời giải quyết chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công với cách mạng trên địa bàn;... Sở cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh có chính sách tăng tần suất thụ hưởng dịch vụ cho người có công để đáp ứng nhu cầu an dưỡng, giao lưu, chia sẻ, chăm sóc và phục hồi sức khỏe, giúp người có công sống vui khỏe, hạnh phúc và góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Những hoạt động tri ân đáng trân trọng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" thiết thực, hiệu quả mà Nam Định đã làm được trong thời gian qua là minh chứng cụ thể cho tinh thần trách nhiệm, tình cảm biết ơn sâu sắc của nhân dân Nam Định đối với những người có công và gia đình chính sách. Tin tưởng rằng, những hoạt động này sẽ ngày càng được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng, góp phần làm vơi đi đau thương của những người, những gia đình đã chịu nhiều mất mát trong chiến tranh. Ðó cũng là bài học để thế hệ trẻ hôm nay nguyện sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã hy sinh tuổi trẻ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phạm HồngTheo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.