Số lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán có xu hướng giảm
Một thực tế đang diễn trên thị trường chứng khoán ra là số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn có dấu hiệu suy giảm trong 5 năm gần đây. Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán cần minh bạch, cải cách thủ tục hành chính hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có động lực niêm yết.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy, tính đến đầu tháng 3, trên thị trường có 1.591 doanh nghiệp niêm yết, trong đó sàn HOSE có 392 mã cổ phiếu, HNX có 311 mã và UpCom có 888 mã.

Ảnh minh họa. Nguồn: VCCI
Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn có xu hướng giảm so với 5 năm trước. Vào tháng 3/2020, tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đạt 1.628 mã, trong đó sàn HOSE có 378 mã, HNX 367 mã, UpCom 883 mã.
Con số này quá thấp khi chỉ chiếm chưa tới 0,2% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề quan trọng đối với TTCK Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được kỳ vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
So với cách đây 7-8 năm, một ngày, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hay Hà Nội (HNX) đều tất bật đánh cồng vài lần để chào đón những “tân binh” lên sàn. Nhưng kể từ sau đại dịch COVID-19, tiếng cồng dường như trở nên xa lạ với nhà đầu tư.
Dù thị trường có không ít điểm tích cực như: Tổng giá trị niêm yết, vốn hóa và dòng tiền đổ vào thị trường không ngừng tăng; có thời điểm, thanh khoản thị trường đạt kỷ lục hơn 2 tỷ USD/phiên… nhưng việc thị trường chứng khoán không có nhiều doanh nghiệp lên sàn cũng đang làm giảm sức hấp dẫn của thị trường.
Lý giải về thực trạng doanh nghiệp ngại lên sàn chứng khoán, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nà.
Thứ nhất, là việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH sang công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng sẽ phải có những yêu cầu chặt chẽ hơn về mô hình hoạt động và phương thức quản lý. Doanh nghiệp cũng phải thuê một đơn vị để bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu (IPO).
Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ niêm yết cũng sẽ rất phức tạp và tốn nhiều thời gian lẫn chi phí, và doanh nghiệp cũng phải thuê một đơn vị chuyên nghiệp để tư vấn niêm yết. Sau đó, việc niêm yết sẽ còn bị ràng buộc bởi rất nhiều các quy định khác như các quy định về công bố thông tin, kiểm toán độc lập...
Tất cả những vấn đề này sẽ phát sinh chi phí không hề nhỏ cho doanh nghiệp khi muốn niêm yết trên sàn và cũng như đòi hỏi doanh nghiệp phải có một sự tái cấu trúc toàn diện để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của một doanh nghiệp niêm yết.
Nguyên nhân chính vẫn là các doanh nghiệp tư nhân vẫn muốn kiểm soát công ty, ngại phải thay đổi, đổi mới để đáp ứng các điều kiện niêm yết, cũng như chi phí niêm yết còn cao và thời gian thủ tục cũng còn tương đối phức tạp là những trở ngại chính.
Hơn nữa, thị trường niêm yết cũng chỉ phù hợp với các doanh nghiệp tư nhân lớn, còn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ thì sẽ không đủ tiềm lực để có thể tham gia vào thị trường chứng khoán tập trung.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có thể thu hút được nhiều hơn doanh nghiệp niêm yết, cần tái cấu trúc lại toàn bộ thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, thủ tục đơn giản, tinh gọn và giảm bớt chi phí phát hành, niêm yết, cũng như ứng dụng công nghệ để quy trình niêm yết trở nên tinh gọn và dễ dàng hơn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần xây dựng một sân chơi cho doanh nghiệp, có thể phát triển thị trường UpCom theo hướng này để nó trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho doanh nghiệp, nhằm giảm áp lực cho kênh ngân hàng. Khi thị trường đủ sức hấp dẫn thì các doanh nghiệp sẽ không ngại tham gia.
Minh An (t/h)
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/3/2025 là 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.