Số vụ tấn công mạng tại Việt Nam giảm liên tiếp trong 4 năm

Đầu tư và Tiếp thị
03:19 PM 16/02/2025

Theo Kaspersky Security Network (KSN), số vụ tấn công mạng giảm liên tiếp trong 4 năm cho thấy Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc và đang từng bước hoàn thành mục tiêu an ninh mạng do Chính phủ đề ra trong năm 2025.

Theo dữ liệu mới nhất từ báo cáo của Kaspersky Security Network (KSN), trong năm 2024, Kaspersky đã ngăn chặn 19.816.401 mối đe dọa mạng tại Việt Nam. Con số này giảm đáng kể so với tổng số mối đe dọa mạng trong năm 2023 là 29.625.939 vụ.

Số vụ tấn công mạng tại Việt Nam giảm liên tiếp trong 4 năm- Ảnh 1.

Nguồn: Kaspersky Security Network

Số liệu trong các năm từ 2021-2024 của Kaspersky cũng cho thấy, số vụ tấn công mạng tại Việt Nam đã giảm liên tiếp trong 4 năm qua, từ con số hơn 60 triệu mối đe đoạ trực tuyến năm 2021 còn hơn 19 triệu mối đe doạ trong năm 2024.

Kaspersky nhận định, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc và đang từng bước hoàn thành mục tiêu an ninh mạng do Chính phủ đề ra trong năm 2025, đó là giám sát và đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Những nỗ lực của Việt Nam cũng được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ghi nhận thông qua Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (Global Cybersecurity Index 2024) với số điểm ấn tượng 99,74. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không ngừng duy trì quan hệ hợp tác trong cả lĩnh vực công và tư nhân nhằm tăng cường năng lực an ninh mạng trong nước.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ hiện đại, ngoài các tác động tích cực cũng kéo theo vấn nạn tấn công giả mạo và lừa đảo trên trang các trang web trực tuyến. Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, năm 2024 tình trạng lừa đảo và tấn công mạng vẫn diễn biến phức tạp.

Tin tặc thường sử dụng hai phương thức để truy cập và tấn công vào hệ thống của người dùng, các tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ nhất, cài cắm mã độc vào trang web (drive-by download), người dùng truy cập vào trang web này, máy tính sẽ tự động tải phần mềm độc hại mà không cần sự chấp thuận của người dùng. Tinh vi hơn, những phần mềm độc hại còn được nguỵ trang thành các chương trình hợp pháp.

Thứ hai, tấn công phi xã hội dựa trên những thông tin cá nhân được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, tin tặc sẽ tạo ra nhiều kịch bản lừa đảo đa dạng để đánh lừa nạn nhân. Đặc biệt, tin tặc còn tận dụng triệt để AI để tạo ra vô vàn kịch bản lừa đảo.

Kaspersky cũng khuyến nghị các tổ chức và cá nhân tăng cường khả năng bảo vệ trước các mối đe dọa mạng. Cụ thể, sử dụng mật khẩu mạnh để truy cập vào hệ thống dịch vụ của doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra và cài đặt các cập nhật mới để khắc phục các lỗ hổng về bảo mật.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn