Sở Y tế Thái Bình: 'Gánh trên vai' nhiều trọng trách nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ

Địa phương
05:53 PM 24/01/2022

Dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, đến nay tỉnh Thái Bình đã từng bước kiểm soát, kìm chế và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Những "chiến binh áo trắng" quả cảm ngành Y tế Thái Bình đã không quản ngại nguy hiểm, gian lao, vất vả để đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.

Sở Y tế Thái Bình: Gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh 1.

Bệnh viện Nhi Thái Bình triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch cho trẻ em. Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã về dự và trao quà chúc mừng ca phẫu thuật thành công cho gia đình 02 cháu bé.

Với nỗ lực trong 2 năm qua, ngành Y tế Thái Bình đã tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch của tỉnh, hỗ trợ nhân lực và vật tư y tế cho tỉnh bạn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Huy động và điều phối lực lượng Y – Bác sĩ tham gia hiệu quả công tác phòng chống dịch, được đánh giá rất cao trong cộng đồng, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân.

Một ngày cuối năm, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hòa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế.

PV: Thưa ông! Năm 2021 là năm Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Xin ông cho biết, cùng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, ngành Y tế Thái Bình đã có những hoạt động gì để góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh?

Ông Phạm Quang Hòa: Hai năm gần đây, nhất là năm 2021 dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, trong đó giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, số lượng ca mắc mới cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, căn cứ vào tình hình thực tế ở từng giai đoạn, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, ngành Y tế đã tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh các giải pháp phòng, chống dịch đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành cũng ban hành một số văn bản như: Hướng dẫn quản lý, kiểm soát người đến, về tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phối hợp với các ngành, địa phương rà soát việc xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, trường học; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch và bổ khuyết kịp thời mặt hạn chế cần khắc phục…

Sở Y tế Thái Bình: Gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh 2.

Hình ảnh trong phòng mổ tim của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thái Bình

Khi dịch diễn biến phức tạp tại Vũ Thư, thành phố Thái Bình, Đông Hưng... nhiều ca mắc được ghi nhận tại doanh nghiệp, trường học… không quản khó khăn, vất vả, thậm chí là hiểm nguy, hàng nghìn cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành Y tế đã làm việc thâu đêm, nhanh chóng cùng địa phương điều tra truy vết, thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm, nhanh chóng bóc tách F0. Triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; tổ chức triển khai kế hoạch thu dung điều trị 10.000 bệnh nhân COVID-19 và nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, vận hành các cơ sở, bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19; Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, Sở Y tế đã trưng dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực thu dung, điều trị COVID-19. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ sở thu dung, điều trị được thành lập, các bệnh viện chuyển đổi công năng, thực hiện phân tầng điều trị COVID-19. Sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành phố khi dịch bệnh phức tạp, gần 900 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, sinh viên ngành Y tế Thái Bình đã không quản ngại đến Bắc Ninh, Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ dập dịch. Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, khó khăn, vất vả ngày đêm trong mỗi ca trực, có cán bộ mẹ mất cũng không thể về chịu tang do đang thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến. Tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, những chiến sĩ áo trắng đã quên đi giấc ngủ, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ vượt lên mọi khó khăn, tất cả vì sự an toàn và sức khỏe nhân dân, với họ dịch bệnh được kiểm soát, bệnh nhân được khỏi bệnh, ra viện là niềm vui lớn nhất.

Đến nay, nhờ các biện pháp chỉ đạo kịp thời, đúng hướng; sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát trên địa bàn tỉnh; nhiều ổ dịch được phát hiện, khoanh vùng, khống chế kịp thời không để lây lan… các trường hợp nguy cơ được quản lý, cách ly; số bệnh nhân được điều trị khỏi cao, chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài dịch COVID-19, ngành cũng đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống một số dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, sởi, chân tay miệng…

Sở Y tế Thái Bình: Gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh 3.

Niềm vui của gia đình bệnh nhân được can thiệp mổ tim thành công tốt đẹp tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Kết quả 02 bệnh nhi đầu tiên tại tỉnh Thái Bình và trong khu vực được can thiệp thành công, sức khỏe ổn định và được xuất viện sau 24 giờ.

PV: Song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 công tác khám, chữa bệnh thường xuyên được ngành Y tế thực hiện hiệu quả, xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Phạm Quang Hòa: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế luôn xác định phải thực hiện tốt "mục tiêu kép", đó là vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do ảnh hưởng của đại dịch nên số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị giảm so với mọi năm. Song công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh duy trì thực hiện nghiêm túc ở tất cả các tuyến. Các bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, tỷ lệ điều trị khỏi và đỡ đạt trên 90%; giảm ngày điều trị trung bình, giảm chuyển tuyến. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu như: Phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch kín, thay khớp háng, khớp gối, thay van hai lá sinh học, khâu lỗ thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh, xuất huyết não, phình đại tràng bẩm sinh, bít ống động mạch bằng dù trên hệ thống chụp mạch xóa nền hai bình diện… được triển khai và duy trì thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người bệnh được điều trị bằng kỹ thuật hiện đại ngay tại tỉnh, giảm chi phí điều trị và đi lại. Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác khám, chữa bệnh, nhiều chương trình, mục tiêu chăm sóc sóc khỏe nhân dân vẫn đạt mục tiêu, chỉ tiêu, kết quả tích cực.

Sở Y tế Thái Bình: Gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh 4.

Bệnh viện Nhi Thái Bình chủ trì, tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh chăm sóc trẻ sơ sinh với mục tiêu: Giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh tại tỉnh xuống mức tối thiểu.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh vẫn còn khó khăn, tồn tại gì thưa ông?

Ông Phạm Quang Hòa: Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, có những thời điểm còn chưa được chủ động theo phương châm "4 tại chỗ", thiếu nhân lực chuyên môn, vật tư y tế, sinh phẩm…  Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở một số đơn vị còn thiếu, xuống cấp, chưa đạt tiêu chuẩn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các đơn vị còn gặp rất nhiều khó khăn, lượng bệnh nhân ít ảnh hưởng tới tài chính, hoạt động thường xuyên, bên cạnh đó lại phải chi phí nhiều cho công tác phòng chống dịch, nhất là với 18 bệnh viện thực hiện tự chủ. Tình trạng thiếu bác sĩ ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Chế độ chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, chính sách thu hút nhân sự chất lượng cao chưa đủ hấp dẫn do đó khó tuyển bác sỹ chuyên khoa sâu, trình độ cao, có hiện tượng bỏ việc, chuyển ra làm việc ở các đơn vị ngoài công lập.

Sở Y tế Thái Bình: Gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh 5.

Bác sĩ chuyên khoa II Lương Đức Sơn - Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình trong Hội nghị Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh chăm sóc trẻ sơ sinh với mục tiêu: Giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh tại tỉnh xuống mức tối thiểu.

PV: Năm 2022, ngành Y tế đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ gì? Thưa ông!

Ông Phạm Quang Hòa: Năm 2022, ngành sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, bám sát sự chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến. Củng cố hệ thống mạng lưới y tế cơ sở; đào tạo nâng cao năng lực cho tất cả các tuyến; tăng cường phát triển chuyên môn kỹ thuật; tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế… Các mục tiêu, nhiệm vụ trên nhằm góp phần xây dựng hệ thống y tế Thái Bình hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Thành Trung - Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.