Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022

Địa phương
09:09 AM 15/07/2022

6 tháng đầu năm, công tác y tế của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả nổi bật, là động lực đạt được các mục tiêu đề ra trong những tháng cuối năm.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hiệu quả các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thực hiện chung sống an toàn với dịch; tập trung đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19; ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà/nơi lưu trú; triển khai hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng...

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Trụ sở Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2022 được duy trì thường xuyên trên phạm vi toàn tỉnh và tăng cường trong các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, Tháng hành động vì ATTP năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới, tổng số kỹ thuật mới được triển khai toàn ngành là 294 kỹ thuật, tăng 187 kỹ thuật so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: 226 kỹ thuật lâm sàng, 68 kỹ thuật cận lâm sàng. Tổng số kỹ thuật mới thực hiện đạt 14,3% so với chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2022. Tuy nhiên, còn một số đơn vị chưa triển khai thực hiện và thực hiện thấp các kỹ thuật mới trong 6 tháng đầu năm 2022 như Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi, TTYT thành phố Vĩnh Yên, TTYT huyện Tam Đảo.

Nhìn chung, toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua; đổi mới công tác quản lý; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển kỹ thuật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Công tác dự phòng đã được triển khai có hiệu quả, chủ động trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chỉ đao của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh COVID-19. Công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 được triển khai khẩn trương, kịp thời.

Công tác khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới ngày càng được quan tâm, công tác dược - vật tư y tế, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và các hoạt động sự nghiệp y tế có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao thể lực, thể trạng của người dân.

Sở đã hoàn thành 9 nội dung trong Chương trình công tác của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2022. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đào tạo nâng cao y đức ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cơ sở hạ tầng các đơn vị đã được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số hạn chế. Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào do xuất hiện nhiều biến chủng mới. Một số dịch bệnh lạ, mới nổi cũng tiềm ẩn nguy cơ gây dịch (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp ở trẻ em...).

Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức y tế chưa phù hợp, cùng với sự phát triển và chế độ thu hút nhân lực của các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh nên các cơ sở y tế công lập khó giữ chân và thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là các bác sỹ sau đại học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được so với nhu cầu của đơn vị để thực hiện danh mục kỹ thuật quy định của Bộ Y tế tại tất cả các tuyến.

Hiện nay 15/16 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tự chủ chỉ thường xuyên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 và tình hình ngập úng trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn và nguồn thu của đơn vị, gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tiến độ triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 còn chậm, chưa đạt tiến độ. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong y tế còn hạn chế, chưa thống nhất các khâu trong quy trình khám chữa bệnh và trong quản lý, điều hành các cơ sở y tế, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế còn thấp.

6 tháng cuối năm, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị của ngành và các đơn vị y tế, đảm bảo công khai, minh bạch công tác tài chính y tế; tham mưu, tổ chức phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng bệnh, công tác khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế; củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh...

Bên cạnh đó, Sở cần triển khai lộ trình tự chủ đối với các cơ sở y tế. Lĩnh vực y tế dự phòng phải luôn được coi là nhiệm vụ then chốt để kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ra nghị quyết hỗ trợ về y tế dự phòng. Đối với nền tảng y tế cơ sở, cần quan tâm đến hiệu quả hoạt động của trạm y tế trong việc quản lý sức khỏe toàn dân.

Đồng thời, ngành Y tế cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành nghề y, dược tư nhân; thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động y tế; đẩy mạnh triển khai số hóa ngành Y tế; quan tâm nâng cao y đức, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao đời sống, thu nhập để cán bộ, nhân viên y tế gắn bó với nghề, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thu Nga
Ý kiến của bạn