Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định

Địa phương
10:03 PM 29/05/2024

Chiều 28/5, tại Đồn Biên phòng An Thạnh Ba, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với BĐBP tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Cù Lao Dung tổ chức "Phiên tòa giả định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định" (IUU).

Phiên tòa giả định xây dựng tình huống, tuyên truyền tới ngư dân về việc xử lý hình sự đối với các tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản" và "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại khoản 1 Điều 242 và khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 1.

Hội đồng xét xử phiên tòa giả định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Tham dự phiên tòa giả định có đồng chí: Lê Thanh Vũ, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng; Lư Tấn Hoà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng; Đại tá Bùi Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh Sóc Trăng; Trần Lệ Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc trung Tâm Chính trị huyện Cù Lao Dung; Huỳnh Thanh An, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên tòa giả định.

Theo cáo trạng, khoảng 5h30 ngày 15/12/2023, tại khu vực Bến tàu cá thuộc ấp X, xã AT, huyện C, tỉnh S, Tổ công tác thuộc Đồn biên phòng AT phối hợp lực lượng Công an kiểm tra tàu đánh cá số hiệu SS-S1-TS do Trịnh Văn Tân đứng tên đăng ký chủ sở hữu tàu, dùng làm phương tiện đánh bắt thủy sản, theo giấy phép khai thác thủy sản số X1/2022/SS-GPKTTS ngày 20/12/2022 do UBND tỉnh S cấp được khai thác nguồn lợi thủy sản bằng lưới rê, hoạt động ven biển tỉnh S (trừ vùng cấm) có thời hạn đến ngày 20/12/2023.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 3.

Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng tại phiên tòa giả định.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu cá của Trịnh Văn Tân có 01 hộp kích điện kích thước (30x25x12)cm, vỏ bằng gỗ (đã qua sử dụng); 01 ắc quy nhãn hiệu "DONGNAI", ký hiệu 12V-100Ah (đã qua sử dụng); 1 bộ lưới kích thước (31,5x19)m, mắt lưới (2x2)cm (đã qua sử dụng); 2 tấm ván gỗ viền kim loại kích thước (1,6 x 0,62)m (đã qua sử dụng); 01 cuộn dây điện màu đen chiều dài 110m, bên trong có 2 dây điện lõi đồng (đã qua sử dụng). Đồng thời, lực lượng chức năng phát hiện 01 cá thể loài Vích có trọng lượng 6,5 kg và 01 cá thể loài Đồi mồi có trọng lượng 10,5kg.

Trịnh Văn Tân khai nhận có hành vi sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản nên lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang và tiến hành niêm phong, thu giữ các vật chứng nêu trên. 

Đồng thời, lực lượng chức năng còn thu giữ 01 tàu đánh cá số hiệu SS-S1-TS, dài 8,4m (đã qua sử dụng); Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá số S2/2022; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá số S3/183/ĐKTC; Giấy phép khai thác thuỷ sản số X1/2022/SS-GPKTTS; 1,7kg tôm giang, chiều dài trung bình 20cm/con; 0,3kg tôm rảo, loại 40 con/kg, chiều dài trung bình 19cm/con; 1,8kg tôm đất, loại 66 con/100g; 2,5kg tôm tích, chiều dài trung bình 14cm/con; 5,5kg cá giang, chiều dài trung bình 13cm/con.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 4.

Bị cáo Trịnh Văn Tân tại phiên tòa giả định trả lời HĐXX.

Qua quá trình điều tra, Trịnh Văn Tân khai nhận: Qua tìm hiểu, Tân biết việc sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản dễ hơn, hiệu quả hơn việc thực hiện đánh bắt lưới như thông thường. Tháng 8/2023, Tân mua bộ kích điện, mục đích để đánh bắt thủy sản và thuê ông Trần Minh Út làm việc tại tàu theo sự chỉ đạo của Tân như cùng kéo, thả lưới để khai thác thủy sản, phân loại thủy sản đã được khai thác... Với phương thức đấu nối từ một ắc quy đến một bộ kích điện rồi từ bộ kích điện nối đến miệng của lưới đánh cá cuộn trên hệ thống tời gắn cố định trên tàu.

Khi hoạt động khai thác, Tân cùng Út sử dụng hệ thống tời để thả lưới (có gắn 02 ván chã bằng gỗ có viền bọc kim loại) xuống dưới biển, khi lưới chìm xuống dưới ở độ sâu khoảng 50 mét, Tân bật kích điện để tạo ra dòng điện từ ắc quy qua bộ kích điện đến miệng lưới rồi Tân điều khiển tàu di chuyển xung quanh vị trí khu vực khai thác, quá trình tàu di chuyển sẽ kéo theo lưới ở dưới biển chạy theo, dòng điện ở miệng lưới tác động đến các loại thuỷ sản ở gần miệng lưới, làm những loại thuỷ sản bị yếu đi và chui vào bên trong lưới. 

Mỗi lần hoạt động khai thác như vậy, Tân sẽ điều khiển tàu kết hợp dùng dòng điện trong vòng khoảng 03 giờ thì dừng, sau đó Tân sẽ ngắt dòng điện rồi cùng Út thu lưới, phân loại thuỷ sản rồi mang đi bán.

Tối ngày 14/12/2023, Tân điều khiển tàu cá đến khu vực ven biển thuộc tỉnh S, Tân đã dùng lưới và dụng cụ kích điện để khai thác thủy sản thu được khoảng 9,8 kg thủy sản các loại. Đối với 01 cá thể Vích và 01 cá thể Đồi mồi là do Tân mua của chủ tàu cá khác (không rõ lai lịch) với giá 5 triệu đồng để bán lại kiếm lời. 

Đến gần sáng ngày 15/12/2023, Tân cho tàu chạy vào bờ để bán thủy sản đánh bắt được thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ngoài ra Tân còn khai nhận, vào ngày 15/10/2023, Tân sử dụng kích điện khai thác thủy sản đã bị Đồn trưởng Đồn biên phòng AT kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Qua quá trình điều tra, người làm chứng Trần Minh Út khai nhận được Trịnh Văn Tân thuê đi theo tàu cá khai thác thủy sản từ đầu tháng 10/2023 đến khi Tân bị bắt, công việc của Út là cùng với Tân kéo, thả lưới để khai thác thủy sản, phân loại thủy sản đã được khai thác. 

Tối ngày 14/12/2023, Tân điều khiển tàu cá đến khu vực ven biển thuộc tỉnh S, Tân đã dùng lưới và dụng cụ kích điện để khai thác thuỷ sản thu được khoảng 9,8kg thủy sản các loại. Đối với 01 cá thể Vích và 01 cá thể Đồi mồi, Út thấy Tân mua của chủ tàu cá khác nhằm bán lại kiếm lời.

Tại các Kết luận giám định mẫu loại thuỷ sản trên thuộc các loài nguy cấp, quí, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Công ước Quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Các bộ kích điện hoạt động trong môi trường nước biển thì sẽ gây nguy hiểm cho người và thủy hải sản khi tiếp xúc với nước trong phạm vi giữa 02 điện cực...

Xét thấy có đủ căn cứ nên ngày 15/2/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện C đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Tân về tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản" và tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" và Viện KSND cùng cấp đã truy tố bị cáo Trịnh Văn Tân ra trước Tòa án về các tội danh nêu trên.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 5.

Luật sư bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa giả định.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, đại diện VKSND và luật sư bào chữa; căn cứ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định, HĐXX tuyên bố bị cáo Trịnh Văn Tân phạm tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản" và tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm".

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Tân 6 tháng tù giam về tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản" và 1 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm". Tổng hợp hình phạt của cả hai tội, buộc bị cáo Trịnh Văn Tân chấp hành hình phạt chung là 1 năm 6 tháng tù giam.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 6.

Lãnh đạo Tòa án, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho bà ngư dân về các quy định về khai thác hải sản sau phiên tòa giả định.

Thông qua phiên tòa giả định này nhằm tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân về khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quốc tế và nước ngoài.

Hoạt động này còn thể hiện sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản, từng bước chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Qua đó, góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp qua phiên toà giả định- Ảnh 7.

Bà con ngư dân nhận quà tham gia buổi tuyên truyền.

Dịp này, đơn vị đã trao tặng 40 phần quà cho các đối tượng tham gia buổi tuyên truyền, nhằm động viên tinh thần bà con ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.



Văn Dương - Văn Long
Ý kiến của bạn