Social distancing - Giãn cách xã hội là một cụm từ được nhắc tới nhiều trong thời gian này, khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Trường học thì đóng cửa, các công sở cho nhân viên của mình làm việc tại nhà, Chính phủ đưa ra những khuyến cáo về việc "ai ở đâu, cứ ở yên đó" cũng là một cách bảo vệ cộng đồng. Guồng máy cuộc sống đang quay hối hả, bỗng nhiên một ngày bị khựng lại. Dĩ nhiên điều này gây nên không ít sự ngột ngạt, khó chịu cho mỗi người, mỗi gia đình. Thay vì yên tâm gửi con đến trường, giờ đây cha mẹ vừa phải làm việc ở nhà, vừa phải chăm sóc cho lũ trẻ tinh nghịch. Thay vì tụ tập bạn bè, đi đó đi đây, làm những gì mình thích thì giờ đây, các anh chị lớn cũng phải "chung cảnh" với lũ nhóc trong "kỳ nghỉ Tết dài bất tận".
Nhưng, giống như bản chất của con người, luôn hướng về phía ánh sáng và những điều tốt đẹp, đã bao giờ bạn dừng lại và suy nghĩ rằng: Biết đâu mùa dịch lại cho mình một cơ hội? Một cơ hội để nhận ra rằng "sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn" là điều mà bản thân hoàn toàn có thể làm được. Một cơ hội để ngẫm lại rằng, sau những lo âu tất bật của cuộc sống hiện đại, mình dành được bao nhiêu thời gian cho tổ ấm? Và cơ hội đó, hơi oái oăm một chút, lại đến vào thời điểm này, khi không chỉ bạn, mà cả xã hội đều đang phải học cách sống chậm lại…
Khi cô con gái đang học lớp 9 ngần ngại nhờ mẹ hướng dẫn một công thức làm bánh, chị Mai Anh (Hà Nội) đã thực sự ngạc nhiên. Biết con mình bước vào tuổi dậy thì, tuổi nổi loạn theo cách gọi vui của các mẹ, chị cũng không ngạc nhiên khi con có những biểu hiện tập làm người lớn, muốn thoát khỏi sự quan tâm và kiểm soát của cha mẹ. Dù tôn trọng con nhưng đôi lúc, chị cũng cảm thấy có một chút gì đó mất mát. Tình cờ lần này, khi biết con sẽ tham gia một cuộc thi làm bánh trên mạng, chị Mai Anh hỗ trợ nhiệt tình, thậm chí có cảm giác như hai mẹ con cùng đang đi thi vậy. Nhân lúc làm bánh, chị hỏi thăm cô nhóc vài chuyện ở trường, cũng như sẻ chia một vài suy nghĩ từ quan điểm của mẹ. Con gái chị rất vui vẻ trả lời mẹ, thay vì những câu "kệ con" hay "con không biết" cộc lốc như lúc trước.
Còn với gia đình chị Minh Ngọc (35 tuổi, Hà Nội), mỗi buổi sáng, thay vì vội vàng tắt báo thức, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, rồi cùng chồng phi như bay đưa lũ trẻ tới trường, thì giờ đây hoàn toàn có thể thư thả hơn.
Lúc mới nhận được thông báo "cách ly xã hội", bản thân chị Ngọc cũng hết sức lo lắng, sợ rằng giờ giấc, công việc và nhịp sinh hoạt của cả gia đình sẽ bị xáo trộn. Nhưng giờ đây, chính sự xáo trộn bất đắc dĩ ấy lại cho chị cảm nhận về một cuộc sống gia đình thật trọn vẹn.
Buổi sáng, sau khi chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, chị lại cùng chồng hướng dẫn các con tham gia học trực tuyến với cô giáo ở trường. Nhìn bọn trẻ tò mò với những thao tác trên máy tính, rồi í ới gọi nhau qua loa, chị thấy vui hơn nhiều so với những khi đưa điện thoại cho con chơi game để mình có thời gian làm việc nhà. Nhờ những giờ học ấy, chị biết thêm được con ở lớp hay chơi với bạn nào, chúng xưng hô với nhau ra sao.
Khi con không hiểu đoạn nào, hai vợ chồng có thể giảng giải cho con hiểu đoạn ấy một cách rất nhẹ nhàng, thay vì mỗi buổi tối trở về nhà kèm con học trong trạng thái ức chế từ một ngày bận rộn với công việc. Cũng nhờ có hệ thống học tập trực tuyến, các mẹ trong lớp lại có thêm nhiều thời gian kết nối, chia sẻ các công thức nấu ăn ngon với nhau…có khi rộn ràng hơn cả tụi nhóc. Mùa cách ly xã hội tuy có mang lại nhiều điều bất tiện, nhưng vô tình lại nối dài thêm mối kết nối thân tình.
Dành trọn thời gian trong mùa "cách ly" này cho cậu con trai là chia sẻ của anh Châu (38 tuổi, nhạc sĩ). Do đặc thù công việc, anh thường xuyên phải xa nhà, tham gia các chương trình với vai trò nhạc sĩ phối khí, khiến nhiều lúc thời gian bố con gặp được nhau thật ít ỏi. Nhân thời điểm này, anh có cơ hội ở cạnh con 24/7. Cu cậu mắt tròn mắt dẹt khi thấy ông bố bận bịu của mình cũng xắn tay vào bếp, nấu những món cả nhà yêu thích như làm pizza mì, cơm trứng… Lúc rảnh, không có tiết học trực tuyến, hai bố con lại cùng nhau học đàn, hoặc lôi các thiết bị trong nhà đã cũ hỏng ra mày mò sửa lại. Anh Châu tâm sự: "Gần đây, tình cờ mình có đọc một cuốn sách rất hay tên là "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của tác giả Đặng Hoàng Giang. Cuốn sách ghi lại về cuộc sống của các bạn trẻ, bơ vơ trong ngưỡng cửa khôn lớn, đối chọi với mọi thứ bằng một tâm hồn sứt mẻ vì thiếu đi sự quan tâm, thấu hiểu của cha mẹ. Con mình năm nay mới học tiểu học, nhưng mình rất sợ chỉ vài năm nữa thôi, cháu cũng sẽ lớn lên với ký ức không đẹp về một ông bố vô tâm như thế. Trong cái rủi có cái may, thời gian gần nhau này là cơ hội để hai bố con thấu hiểu nhau hơn, thực sự bước vào cuộc sống của nhau."
Bên cạnh đó, mùa dịch cũng là cơ hội để các thế hệ trong gia đình xích lại gần nhau hơn. Lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ, khi có thông báo cách ly xã hội, chị Thùy Trang (Hà Nội) đã đưa cả gia đình về sống cùng ông bà ngoại. Khỏi nói là ông bà vui thế nào, vừa được chơi cùng với cháu, vừa có thêm tiếng cười trong ngôi nhà vốn đã neo người. Lúc trước, mỗi tuần chị tranh thủ về thăm bố mẹ một lần, có tuần bận còn không về. Bây giờ, chị được trở về mái nhà thân thuộc, được quan tâm tới bố mẹ chu đáo hơn. Anh con rể thỉnh thoảng lại giúp bố vợ sửa chữa cái này cái kia, mỗi tối hai bố con lại ra sân ngồi làm ván cờ với nhau. Hồi trước, ngân hàng nơi chị làm có tổ chức một sự kiện tri ân bố mẹ nhân ngày lễ Vu Lan. Tới tận bây giờ, chị vẫn nhớ mình đã rơi nước mắt thế nào khi thực hiện một thử thách là gọi điện thoại nói lời cảm ơn bố mẹ. Giờ đây giọt nước mắt ấy đã được thay thế bằng những nụ cười.
Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa, nay nhà cũng là nơi "bảo vệ" các thành viên gia đình, những lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh tạm thời bỏ lại. Khoảng thời gian "được nhìn thấy nhau" đã nhiều hơn thay vì chỉ gặp nhau mỗi buổi tối trước khi lên giường đi ngủ. Đứa con xa nhà đã trở về thay vì những phút giây cách ngăn chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại.
Vitamin tích cực được lan tỏa trong căn nhà khi mà mọi hoạt động giờ đây đều được gắn thêm chữ "cùng nhau": cùng nhau ăn, cùng nhau xem tivi, cùng nhau tập thể dục, cùng nhau trò chuyện…
Căn bếp im ắng ngày thường bỗng trở nên rộn rã tiếng cười khi mẹ không còn vất vả một mình chuẩn bị mà có thêm những "phụ bếp" vụng về bên cạnh.
Dù là một tô mì rau trứng hay bữa cơm giản dị, có gì ăn nấy với thịt, cá, rau, củ,… vì hạn chế ra ngoài, thì hương vị hạnh phúc vẫn đầy ắp khi được nấu lên từ chính sự yêu thương của tất cả các thành viên trong gia đình.
Rồi những ngày "ở nhà chống dịch" cũng nhanh chóng qua đi, mọi thứ sẽ dần trở lại với nhịp sống bình thường, nhưng đừng để những lúc "family gathering" chỉ là ký ức mà hãy duy trì nó như một thói quen bạn nhé. "
Sống chậm" lại, ở nhà nhiều hơn, cảm nhận những khoảng khắc bình yên bên gia đình, trân quý tình thân sẽ là "vị thuốc yêu thương" xoa dịu tâm hồn bạn trong thế giới "sống nhanh, sống vội" đầy phức tạp này.
http://ttvn.toquoc.vn/social-distancing-da-tao-nen-family-gathering-nhu-the-nao-thoi-covid-22202021410013532.htm