Soi quy mô nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ với các ông lớn sừng sỏ khác trong ngành xe điện

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:38 AM 30/03/2022

Các nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu hiện đang đua nhau tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng xe “xanh” ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. Trong đó, việc xây dựng các nhà máy lớn được các hãng xe đặc biệt quan tâm.

Ngày 29/3, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ.

Cụ thể, dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD (tổng mức đầu tư là 4 tỷ USD trong giai đoạn 1 (theo thông tin từ Nhà Trắng) và sẽ tạo ra 7.000 việc làm cho lao động địa phương. Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.

Việc mở rộng sản xuất tại thị trường Mỹ của Vinfast sẽ kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng sản xuất xe điện lớn khác như Tesla, Ford, Rivian,... Họ đã xây dựng các nhà máy với quy mô lớn, chất lượng cao và còn nhiều kế hoạch nâng cấp khác để đẩy mạnh vị trí trong ngành xe điện đầy tiềm năng này.

Tesla

Trong những ngày đầu Tesla đi vào sản xuất hàng loạt, ông Musk từng bị chế nhạo vì sự tự tin thái quá của mình. Nhưng giờ đây, nhà máy ban đầu của Tesla ở Fremont, bang California đã được xem là nhà máy ô tô có năng suất cao nhất Bắc Mỹ khả năng xuất xưởng 8.550 xe mỗi tuần.

Soi quy mô nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ với các ông lớn sừng sỏ khác trong ngành xe điện - Ảnh 1.

Nhà máy nằm trên một khu đất có diện tích khoảng 150 ha, trong đó phần sử dụng vào khoảng 51 ha - tức là khá khiêm tốn so với quy mô nhà máy của VinFast (800 ha). Nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla là một trong những nhà máy sử dụng nhiều robot nhất trên thế giới. Tại đây có 160 robot chuyên ngành (specialist robots), trong đó 10 robot thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Trong các không gian sản xuất có rất ít sự xuất hiện của con người.

Năm 2013, tại nhà máy có 3000 người lao động. Do các phân xưởng có diện tích rất rộng nên công nhân đi lại trong nhà xưởng phải sử dụng phương tiện xe đạp.

Không những vậy, với sự lớn mạnh nhanh chóng của thương hiệu xe điện, Tesla cũng nhanh chóng mở rộng quy mô nhà máy của mình và đã đưa vào vận hành một Siêu nhà máy vào năm 2016 tại Nevada có diện tích gần nửa triệu m2.

Tại đây, Tesla sản xuất pin, tấm pin mặt trời, giải pháp lưu trữ gia đình và tất nhiên là ô tô điện với sản phẩm chính là mẫu Tesla 3.

Ngoài nhà máy mang tính biểu tượng kể trên, Tesla còn có một nhà máy đặt ở Texas với mức đầu tư 1 tỷ USD, một siêu nhà máy khác mới khai trương ở gần Berlin (Đức) với giá trị đầu tư 5,5 tỷ USD, công suất 5.000-10.000 xe mỗi tuần và 1 siêu nhà máy tại Thượng Hải (Trung Quốc) với công suất khoảng 2.000 xe/ngày.

Tesla cũng chính là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới với hơn 930.000 xe bàn giao đến tay người tiêu dùng trong năm 2021.

Volkswagen

Ngay đầu tháng 3, Tập đoàn chế tạo ôtô khổng lồ của Đức - Volkswagen đã tuyên bố đã thông qua khoản đầu tư trị giá 2 tỉ euro (2,2 tỉ USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô điện mới.

Soi quy mô nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ với các ông lớn sừng sỏ khác trong ngành xe điện - Ảnh 2.

Theo tuyên bố của hãng, việc xây dựng nhà máy mới sẽ được khởi công sớm nhất là mùa xuân năm 2023, và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2026. Nhà máy mới này sẽ là nơi sản xuất mẫu xe đại chúng Trinity, vốn là tâm điểm trong dàn xe chạy hoàn toàn bằng điện mới của Volkswagen.

Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, Volkswagen kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng thời gian sản xuất một chiếc xe điện xuống còn khoảng 10 tiếng, so với mức 30 tiếng hiện tại của nhà máy ở Zwickau nằm ở phía đông nước Đức

Quy mô 2,2 tỷ USD không quá lớn nhưng đây chỉ là phần mở rộng của Volkswagen trong khi hoạt động sản xuất chính của hãng xe lớn thứ 2 thế giới vẫn nằm ở nhà máy chính - được xem là nhà máy lớn nhất tại Đức với diện tích hơn 6,5 triệu m2 và được đặt tại Wolfsburg, Đức. 

Nhà máy này sản xuất 3.800 chiếc xe mỗi ngày và xuất xưởng trên 800.000 xe mỗi năm. Chỉ riêng sảnh của nhà máy đã có diện tích chứa đủ Công quốc Monaco. Đây là nơi đặt 4 dây chuyền lắp ráp các mẫu xe Golf, Touran và Tiguan. Hoạt động từ năm 1945 và đến nay tổ hợp nhà máy sản xuất khép kín từ các linh kiện để hoàn thiện một chiếc ô tô.

Quy mô của tổ hợp nhà máy Wolfsburg lớn tới mức hãng xe Đức phải lắp đặt 55 km đường ray cho tàu mini di chuyển qua lại giữa các khu vực. Tổng diện tích tổ hợp này lớn hơn công quốc Monaco và là nơi hơn 60.000 công nhân của Volkswagen lắp ráp 815.000 xe mỗi năm. Đây cũng là một trong những nhà máy lâu đời nhất thế giới khi được xây dựng vào 1938.

Ford

Tháng 9/2021, Ford Motor và nhà sản xuất pin SK Innovation Hàn Quốc đã công bố đầu tư 11,4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy lắp ráp mẫu F-150 và 3 nhà máy sản xuất pin tại Mỹ nhằm thúc đẩy sản lượng xe điện.

Cụ thể, Ford sẽ chi ra 7 tỷ USD, khoản đầu tư lớn nhất mà Ford đã thực hiện trong lịch sử 118 năm, còn SK sẽ chi trả phần còn lại. Số tiền sẽ được phân bổ đều cho nhà máy ở Kentucky và Tennesse.

Soi quy mô nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ với các ông lớn sừng sỏ khác trong ngành xe điện - Ảnh 3.

Việc xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện và pin ở Stanton, Tennessee, cùng 2 nhà máy sản xuất pin ở Glendale, Kentucky sẽ tạo ra 11.000 việc làm cho người lao động. Trong đó, tổ hợp pin và lắp ráp ở Tennessee sẽ có quy mô gấp 3 lần khu phức hợp sản xuất lâu đời Rouge ở Dearborn của Ford.

Ford cho biết sẽ xây dựng một "khuôn viên rộng lớn" Blue Oval City, mang biểu tượng hình elip của Ford, hỗ trợ sản xuất thế hệ tiếp theo của mẫu Lightning. Dự kiến siêu nhà máy này rộng hơn 15.000 km2 ở phía tây Tennessee với tổng trị giá 5,6 tỷ USD sẽ tạo ra 6.000 việc làm.

Tại Kentucky, Ford sẽ xây dựng khuôn viên khác có tên là BlueOvalSK Battery Park, đây sẽ là khu phức hợp sản xuất pin chuyên dụng cho danh mục xe điện đang mở rộng của Ford. Khu đất rộng hơn 7.000 km2 sẽ có giá trị 5,8 tỷ USD, dự kiến tạo ra 5.000 việc làm. Địa điểm này được sẽ mở cửa vào năm 2025.

Rivian

Mặc dù mới bắt đầu bán xe và báo cáo doanh thu không nhiều, nhưng Rivian từng có thời điểm vượt qua những “gã khổng lồ” truyền thống như General Motors hay Ford Motor về giá trị thị trường, được định giá đến 100 tỷ USD, trở thành nhà sản xuất xe có giá trị thứ hai của Hoa Kỳ, chỉ sau Tesla.

Hiện tại, Rivian có một cơ sở sản xuất chính ở Normal, Illinois, nơi họ sản xuất xe tải điện cho Amazon, cũng như những bộ phận đầu tiên của R1T và R1S EVs. Nhà máy tạo ra hơn 3.000 việc làm. Công suất hiện có là 150.000 chiếc mỗi năm - tương đương với công suất dự kiến giai đoạn 1 của VinFast. Hãng dự kiến tăng lên 200.000 chiếc mỗi năm vào năm 2023.

Soi quy mô nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ với các ông lớn sừng sỏ khác trong ngành xe điện - Ảnh 4.

Cuối năm 2021, trong một cuộc họp báo tại State Capitol, giám đốc điều hành của Rivian đã vạch ra kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Georgia, Mỹ. Họ dự kiến tuyển dụng 7,500 công nhân tại nhà máy và sau đó có thể tăng lên 10,000 người. Nhà máy sẽ được xây dựng trên một khu đất nông nghiệp và rừng thông rộng lớn, cách Atlanta khoảng một giờ lái xe về phía đông. Rivian có kế hoạch xây dựng vào mùa hè 2022 và bắt đầu sản xuất vào năm 2024 tại nhà máy ở Georgia. Hãng xe Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 400.000 chiếc mỗi năm tại đây.

Ngoài hai nhà máy sản xuất chính, Rivian còn có thêm nhà máy sản xuất hệ thống pin của riêng mình tại TP Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Hãng xe Mỹ còn dự kiến xây dựng thêm một nhà máy sản xuất xe điện tại châu Âu trong tương lai.

Khánh Vy
Ý kiến của bạn