Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm
Khi tài sản số đang làm thay đổi diện mạo các giao dịch tài chính toàn cầu và tín chỉ carbon được xem là 'chìa khóa' mở cửa tài chính xanh. Tuy nhiên, hiện khung pháp lý Việt Nam lại đang thiếu những quy định cụ thể để tận dụng lợi thế từ hai loại tài sản mới này.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, cùng với xu thế chuyển đổi xanh toàn cầu, đã và đang làm thay đổi căn bản diện mạo của thị trường tài chính. Trong bối cảnh đó, tài sản số và tín chỉ carbon nổi lên không chỉ như những công cụ kinh doanh mới, mà còn là những tài sản có giá trị kinh tế to lớn.

Trong khi đó, theo thống kê, khoảng 17 triệu người Việt nắm giữ tài sản kỹ thuật số (tính đến 2024), với giá trị thị trường hơn 100 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ quan tâm đến crypto và đứng thứ 3 về sử dụng sàn giao dịch, cho thấy nhu cầu nội địa rất mạnh.
Tại Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay”, các chuyên gia cho rằng hiện nay giao dịch về tài sản số, tín chỉ carbon phổ biến, nhưng khi so sánh với các loại tài sản truyền thống như bất động sản, máy móc thiết bị hay chứng khoán, thì rõ ràng khung pháp lý dành cho tài sản số và tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ, khiến các ngân hàng không chỉ e dè trong việc nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm, mà còn gây khó khăn cho việc xác định giá trị, xử lý tài sản khi phát sinh rủi ro.
Trên thực tế, một số quốc gia đã công nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm và Việt Nam đang ở bước đầu xây dựng định nghĩa và hành lang pháp lý cho loại tài sản này. Điều này, thể hiện sự thận trọng cần thiết để kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội khai thác nguồn tài sản giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Đầu năm nay Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 232 phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo kế hoạch, đến năm 2028, sàn giao dịch thí điểm tín chỉ carbon được thành lập.
Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang xây dựng khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo môi trường đầu tư an toàn.
TS Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật) cho rằng, khi khung pháp lý được áp dụng, việc nhận bảo đảm bằng tài sản là tín chỉ carbon là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế lại là một bài toán vô cùng khó đối với các ngân hàng. Với tài sản truyền thống như đất đai, nhà ở, các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ, thì tín chỉ carbon còn là một loại tài sản rất mới mẻ, nên việc nhận tài sản bảo đảm là tín chỉ carbon sẽ là thách thức không nhỏ đối với những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực này. Tương tự với tài sản số cũng vậy.
Do đó, TS Giang đã đưa ra một số đề xuất thiết thực nhằm xây dựng khung pháp lý phù hợp cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon trong Bộ luật Dân sự. Việc bổ sung khái niệm tài sản số vào luật sẽ tạo tiền đề cho việc thừa nhận chúng là đối tượng của các giao dịch bảo đảm, thay vì chỉ nằm trong phạm vi các tài sản truyền thống như hiện nay.
Thứ hai, bên cạnh việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 21/2021/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Theo đó, quy định chi tiết phương thức thế chấp, ký quỹ tài sản số và tín chỉ carbon, đồng thời hướng dẫn quy trình lưu giữ, định giá và xử lý các tài sản này.
Thứ ba, xây dựng bộ quy chuẩn riêng về định giá tài sản số, tín chỉ carbon trong giao dịch tín dụng. Bởi lẽ, do tính chất biến động cao, việc định giá tài sản số khác biệt rất lớn so với tài sản vật lý thông thường. Cần có các tổ chức định giá độc lập, được cấp phép chuyên môn sâu về tài sản số và tài chính xanh.
Các chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần thiết lập cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) trong lĩnh vực tài sản số và tín chỉ carbon. Điều này cho phép các mô hình mới được kiểm nghiệm trong môi trường pháp lý an toàn, từ đó điều chỉnh dần các quy định để phù hợp với thực tiễn mà không gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Trong dài hạn, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nhận lẫn nhau đối với tài sản số và tín chỉ carbon, đặc biệt trong các giao dịch xuyên biên giới. Như vậy, các ngân hàng Việt Nam sẽ không chỉ tiếp cận nguồn vốn trong nước, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác và huy động vốn quốc tế.
An Mai (t/h)
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương công bố về việc lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu về ngày 5/5/2025, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025.