Sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon
Việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon là cần thiết, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được toàn bộ khoản thanh toán từ việc bán tín chỉ carbon rừng với trị giá hơn 51 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng dựa trên kết quả giảm phát thải.
Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đã rút ngắn quá trình Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Sau Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang chuyển nhượng tiếp hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.
Song, theo các chuyên gia, thị trường carbon tại Việt Nam chỉ mới ở mức sơ khởi, chưa có các quy định rõ ràng, khiến các doanh nghiệp cũng khó để tìm được nguồn tín chỉ carbon chính thống, mức giá hợp lý cũng như được công nhận trên thị trường quốc tế.
Mặc dù Việt Nam đã gián tiếp tham gia các hoạt động mua bán tín chỉ carbon thông qua một số đề án như Cơ chế phát triển sạch (CDM) nhưng con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Khi thị trường đi vào hoạt động sẽ có sự tham gia của cả các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế.
Thị trường sẽ vận hành hiệu quả khi có hành lang pháp lý phù hợp và các đơn vị, tổ chức tham gia thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để làm được điều này, thời gian tới Việt Nam cần chuẩn bị lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon để xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc.
Chất lượng của tín chỉ carbon sẽ tăng lên nếu phát triển bền vững, cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chống suy giảm đa dạng sinh học...
Được biết, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon. Trong đó, giai đoạn đầu sẽ lựa chọn doanh nghiệp, các ngành có phát thải lớn nhất, có đủ số liệu kiểm kê để kiểm soát trước làm thí điểm trước khi đưa lên sàn.
Dự kiến sẽ áp trần phát thải carbon cho doanh nghiệp trong ba lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, sắt thép trước, sau đó sẽ tiến hành với lĩnh vực khác. Theo đó các doanh nghiệp trong 3 lĩnh vực này muốn tăng sản lượng, sản xuất, vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các doanh nghiệp phát thải ít, kiểm soát tốt lượng phát thải trong sản xuất, chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Thị trường carbon (CO2) xuất hiện kể từ thời điểm Liên Hợp quốc chính thức thông qua Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu vào năm 1997, nhằm giải quyết nhu cầu đối với các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính (KNK).
Do carbon là KNK quy đổi tương đương của mọi KNK nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon có thể coi là một loại “giấy phép”, cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2).
Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ dùng để chỉ chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí C02 hoặc một lượng KNK quy đổi sang C02 tương đương. Một cách khái quát nhất, tín chỉ carbon có thể coi là một loại “giấy phép”, cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2), hoặc các loại khí thải nhà kính khác được quy đổi tương đương ra CO2, với số lượng phát thải bằng đúng số lượng tín chỉ mà họ sở hữu. Một tín chỉ carbon bằng 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.
Báo cáo Internet, Tài nguyên Internet 2024 cho biết, lượng tên miền “.vn” tại Việt Nam tăng khoảng 185.000 lên hơn 630.500, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 châu Á - Thái Bình Dương, top 40 toàn cầu về lượng tên miền quốc gia.