Thiên nhiên hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng, vị trí đắc địa cùng những chính sách phát triển của chính quyền tỉnh Bắc Giang, Sơn Động tụ hội nhiều tiềm năng phát triển thành thiên đường du lịch.


Thiên nhiên hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng, vị trí đắc địa cùng những chính sách phát triển của chính quyền tỉnh Bắc Giang, Sơn Động tụ hội nhiều tiềm năng phát triển thành thiên đường du lịch.

Trong làn sóng phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, với ưu thế diện tích rừng nguyên sinh lớn, nhiều thác, suối nước, thảm thực vật đẹp, rộng lớn, Sơn Động đã thu hút lượng lớn du khách đến khám phá Đồng Cao (Thạch Sơn), thác Ba Tia (Thanh Sơn), hồ Khe Chão (Long Sơn), Khe Rỗ (An Lạc), Đồng Thông (Tuấn Mậu)… Có thể nói, huyện Sơn Động là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, là điểm đến được nhiều du khách yêu thích lựa chọn.  

Sơn Động: Đánh thức tiềm năng du lịch  - Ảnh 1.

Với diện tích gần 850 km2, đứng thứ hai trong tỉnh sau Lục Ngạn. Sơn Động thiên nhiên ưu ái, với những khu rừng nguyên sinh nằm trong vòng cung Đông Triều. Nơi đây có dãy núi Yên Tử nổi tiếng gắn với Thiền phái Trúc Lâm. Những yếu tố đó là lợi thế để huyện phát triển các loại hình du lịch.

Sơn Động có nhiều thắng cảnh, tiêu biểu là Khe Rỗ, thác Ba Tia, Đồng Cao, Khe Chão. Khe Rỗ ở xã An Lạc có diện tích hơn 7.000ha, trong đó rừng tự nhiên gần 5.100ha. Đây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu nhất không chỉ của Bắc Giang mà còn điển hình cho cả vùng Đông Bắc nước ta. Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ nằm gọn trong lưu vực hai con suối Khe Rỗ và Khe Đin. Nơi đây có mạch nước ngầm thường xuyên tuôn chảy tạo ra những dòng suối trong vắt. Khí hậu ôn hòa. Quang cảnh tuyệt đẹp. Ta bị ngợp trong âm thanh và sắc màu thiên nhiên. Nơi đây thực sự là chỗ nghỉ dưỡng lý tưởng.

Sơn Động: Đánh thức tiềm năng du lịch  - Ảnh 2.

Thác Ba Tia cận kề khu di tích Tây Yên Tử. Ba Tia có ba ngọn thác ở độ cao 20m cùng đổ xuống tạo nên những bồn tắm tự nhiên xung quanh là gò đá, lớp đá chồng lên nhau với nhiều hình dáng lạ lẫm. Bao quanh thác nước là những cánh rừng nguyên sinh. Khung cảnh hoang dã. Thác này rất thích hợp cho các du khách du lịch mạo hiểm.

Sơn Động: Đánh thức tiềm năng du lịch  - Ảnh 3.

Khách du lịch tại hồ Khe Chão.

Khe Chão ở Long Sơn là một hồ nước được ngăn từ các núi vây quanh, rất tĩnh lặng, êm đềm cũng là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời sau Khe Rỗ. Đồng Cao ở xã Phúc Sơn là một cao nguyên đẹp nhất và duy nhất tỉnh ta với độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây được ví như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đồng Cao có đồng cỏ xanh mênh mông trải dài như thảo nguyên với nhiều tảng đá rải rác mang hình thù độc đáo. Đến Đồng Cao sẽ thấy bầu trời cao, đồng cỏ rộng, phóng tầm mắt nhìn bốn phương mà không bị che lấp. Đây là nơi thuận lợi cho trò chơi thể thao mạo hiểm như dù lượn, đua xe địa hình, leo núi cũng như thả diều, chụp ảnh nghệ thuật… Thị trấn Tây Yên Tử nằm trong khu vực dãy núi Yên Tử. Từ Đồng Thông (thị trấn Tây Yên Tử) leo núi hoặc theo cáp treo sẽ dẫn đến chùa Đồng chót vót Yên Tử nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu tâm, tu thân, tham thiền học đạo, lập ra Thiền phái thuần Việt - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Dân tộc ít người ở Sơn Động chiếm quá nửa dân số huyện - nhiều nhất là Tày, Nùng, Dao. Các dân tộc thiểu số vẫn giữ những nét bản sắc dân tộc trong phong tục tập quán, dân ca, dân vũ, ở những bài thuốc gia truyền. Khôi phục, chọn lọc, phát triển bản sắc ấy chắc chắn sẽ níu chân du khách. Sơn Động có nhiều lâm sản, dược liệu quý hiếm. Chỉ tính riêng khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ đã có hệ thống thực vật phong phú với 716 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm ghi trong sách đỏ. Động vật khá đa dạng với 51 loài thú, 102 loài chim. Nguồn thực vật, động vật cùng với thiên nhiên hoang sơ hấp dẫn khách du lịch khi đến đây.

Sơn Động: Đánh thức tiềm năng du lịch  - Ảnh 4.

Theo ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện đã có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Để cụ thể hóa việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn 2021 - 2025, ngày 17/5/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Đây là "cú hích" để địa phương khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển.

Sơn Động: Đánh thức tiềm năng du lịch  - Ảnh 6.

Thực hiện Nghị quyết, đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập, xây dựng khu du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng Khe Rỗ, Đồng Cao, Bản Mậu gắn với văn hóa bản địa; các xã, thị trấn thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng tại bản Nà Hin (thôn Gà, xã Vân Sơn), thôn Đồng Cao (xã Phúc Sơn) gắn với sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái Đồng Cao; HTX du lịch cộng đồng thôn Nà Ó (xã An Lạc) gắn với sản phẩm du lịch rừng sinh thái Khe Rỗ; HTX du lịch cộng đồng tổ dân phố Mậu (thị trấn Tây Yên Tử) gắn với sản phẩm du lịch Khu du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thác Ba Tia, Núi Mục, cây dược liệu và công viên rừng sinh thái.

Với số lượng khách ngày càng tăng, cùng với xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tại các điểm tham quan du lịch, người dân địa phương đã kết hợp bày bán các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương để tăng thu nhập và góp phần quảng bá sản phẩm. Tại một số địa điểm thường xuyên có khách du lịch ghé thăm như Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Nà Ó, các đơn vị khai thác, vận hành phối hợp với chính quyền cơ sở mở điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương (mật ong rừng, măng mai khô, tinh dầu xả, nấm lim xanh…). 

Sơn Động: Đánh thức tiềm năng du lịch  - Ảnh 7.

Để đa dạng sản phẩm, huyện đặc biệt quan tâm phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực thông qua hỗ trợ các HTX trên địa bàn chuẩn hóa, thiết kế nhãn mác, mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với thực hiện chương trình OCOP. 

Chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, doanh nghiệp, HTX đưa các sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP của tỉnh. "Những hoạt động trên đã góp phần đưa hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, từng bước đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, kết hợp khai thác thế mạnh về nông sản. Nhiều người rất thích thú với các sản phẩm đặc sản này bởi được sản xuất tại địa phương, có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm chất lượng", ông Hoàng Văn Trọng cho biết.

Ngoài sự cố gắng lớn của huyện rất cần có sự trợ giúp của các ban ngành trong tỉnh, các nhà doanh nghiệp địa phương và trung ương.

Có tiềm năng lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi, sự quyết tâm của địa phương, sự đồng lòng của nhân dân, Sơn Động trong những năm tới sẽ "chắp cánh" đưa du lịch lên tầm cao mới.