Sống chung với Covid-19, "hộ chiếu vaccine" có trở thành "thần chú" phục hồi ngành du lịch?

Tiêu dùng và Tiếp thị
02:33 PM 11/03/2021

Trong bối cảnh vaccine Covid-19 đã tiếp cận được với người dân tại nhiều nước trên thế giới, sự chú ý giờ đây dồn vào một nhân tố khác: "hộ chiếu vaccine".

Tuần trước, Hiệp hội Hàng không Quốc tế công bố ra mắt vé thông hành kỹ thuật số như một cách để đưa du lịch quốc tế trở lại mà không cần 14 ngày cách ly. Ứng dụng này cho phép chính phủ và các hãng hàng không thu thập, truy cập và chia sẻ thông tin (đã được mã hoá) của khách hàng về lịch sử xét nghiệm và tình trạng tiêm vaccine trước khi đi du lịch.

Phòng thương mại quốc tế Mỹ và Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng tạo ra ứng dụng tương tự - ICC AOKpass và CommonPass – cho phép người đi du lịch số hoá tình trạng y tế. Các nước như Đan Mạch và Thuỵ Điển cũng ra mắt loại hộ chiếu sức khoẻ riêng trong khi các ông lớn công nghệ đã sẵn sàng vào cuộc.

"Hộ chiếu vaccine" là gì?

Còn được biết đến với cái tên thẻ sức khoẻ kỹ thuật số, "hộ chiếu vaccine" là một loại giấy tờ kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm vaccine phòng virus, trong trường hợp này là Covid-19. Được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu thường được trình diện dưới dạng mã QR. Loại giấy tờ này không mới. Hàng thập kỷ qua, người ta đã dùng "thẻ vàng" như một bằng chứng ai đó đã tiêm vaccine chống lại bệnh dịch tả, sốt vàng hay rubella khi du lịch ở một số nước.

Sống chung với Covid-19, hộ chiếu vaccine có trở thành thần chú phục hồi ngành du lịch? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thế giới nghĩ đến việc dùng một giải pháp kỹ thuật số để thay thế. "Thử hình dung cảnh 180.000 người trình diện một mảnh giấy vốn cần phải được kiểm tra và xác nhận", Mike Tansey – Giám đốc quản lý của hãng tư vấn dịch vụ kỹ thuật số Accenture nói. 180.000 là số lượt người thông quan mỗi ngày tại sân bay Changi (Singapore) trước thời điểm diễn ra Covid.

Bạn có cần hộ chiếu vaccine để đi du lịch?

Tansey – phụ trách mảng du lịch và khách sạn của Accenture khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã làm việc với các hãng hàng không lớn về chiến lược hộ chiếu vaccine. Nói với CNBC, ông này cho biết các kế hoạch đang được tăng tốc từ thời điểm vaccine phát hành. Theo ông, sự cần thiết của loại hộ chiếu này là rất rõ ràng. "Câu trả lời rõ ràng là có. Chúng ta cần nó", Tansey nói. "Các chính phủ có thể nói bạn không cần nó nhưng hệ quả sẽ là chuyến du lịch của bạn sẽ biến thành chuyến ghé thăm các trại cách ly".

Nỗi lo bảo mật

Các chuyên gia khác đều đồng ý quan điểm hộ chiếu vaccine là cách nhanh và hiệu quả nhất để khôi phục ngành du lịch toàn cầu.

Jase Ramsey – giáo sư tại Cao đẳng kinh doanh Lutgert (Mỹ) tin rằng nhu cầu xin cấp loại hộ chiếu này sẽ rất cao. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề lộ dữ liệu cá nhân. Điều này có thể khiến nhiều người kém hào hứng trong việc xin cấp hộ chiếu vaccine kỹ thuật số, so với loại truyền thống. "Với bất cứ ứng dụng nào chứa dữ liệu về sức khoẻ, lo ngại về an toàn và bảo mật đều diễn ra", Ramsey nói.

Sống chung với Covid-19, hộ chiếu vaccine có trở thành thần chú phục hồi ngành du lịch? - Ảnh 2.

Acccredify – hãng công chứng có trụ sở tại Singapore khẳng định sở hữu một hệ thống công chứng kỹ thuật số dựa trên nền tảng blockchain, có khả năng chống bị làm giả. Công nghệ này cũng được chính phủ Singapore sử dụng. "Dữ liệu sức khoẻ được lưu trữ riêng biệt và bảo mật. Chỉ chủ sở hữu nó mới có thể truy cập ứng dụng, cho phép họ lựa chọn chia sẻ dữ liệu cho ai và khi nào", người đại diện công ty này nói.

Sự lo ngại này có thể đang bị phóng đại. Một khảo sát gần đây từ website du lịch The Vacationer cho thấy 73,6% người Mỹ được khảo sát nói rằng họ sẽ sử dụng hộ chiếu hoặc ứng dụng Covid để các hãng hàng không và chính quyền các nước có thể kiểm trả tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm của họ.

Thách thức là gì?

Nếu thành công, hộ chiếu vaccine sẽ khiến giá trị của vaccine tăng lên. Trong khi đó, chưa ai dám khẳng định vaccine sẽ ngăn ngừa được Covid 19 lây lan. Các nghiên cứu mới chỉ đang tiến hành.

WHO mới đây đã cảnh báo khẩn cấp về hộ chiếu vaccine, nói rằng chính quyền và các hãng du lịch không nên coi hộ chiếu vaccine là điều kiện để nối lại du lịch quốc tế. "Hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa lây lan chưa rõ ràng và nguồn cung vaccine toàn cầu vẫn hạn chế", người phát ngôn của WHO nói.

Việc tồn tại hàng loạt các loại hộ chiếu vaccine trên thị trường cũng là trở ngại. "Để biến hộ chiếu vaccine thành một công cụ hữu dụng toàn cầu, chúng ta cần 1 nền tảng thống nhất tại tất cả quốc gia – chẳng hạn hệ thống hộ chiếu hiện hành", Giáo sư Harry Severance tại Đại học Y tế Duke nói.

WHO đang làm việc với các bên, bao gồm Hiệp hội Hàng không Quốc tế để phát triển loại thẻ vaccine kỹ thuật số tiêu chuẩn.

Đó là chưa kể đến hiệu ứng xã hội, tính pháp lý của một hệ thống dựa hoàn toàn vào công nghệ để truy cập trên phạm vi toàn cầu. Có khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới không thể truy cập Internet, thêm 1,1 tỷ người không thể chứng minh được sự hiện diện của mình. Với nhiều người, hộ chiếu giấy vẫn cần thiết.

Sống chung với Covid-19, hộ chiếu vaccine có trở thành thần chú phục hồi ngành du lịch? - Ảnh 3.

Cho đến nay, việc khôi phục ngành du lịch quốc tế vẫn phụ thuộc vào từng quốc gia – họ có sẵn sàng mở cửa cho du khách hay không. Tại châu Á – Thái Bình Dương, một số chính phủ chọn cách thoả thuận song phương, lựa chọn du khách từ một số nước trước khi mở cửa rộng rãi hơn.

"Thực tế thì, chúng ta cần khoảng 6 tháng nữa để thực sự đưa du lịch hàng không trở lại", Tansay nói. Với công nghệ hiện tại và xu hướng số hoá cho tương lai, hộ chiếu sức khoẻ kỹ thuật số chắc chắn sẽ mang đến những giá trị tích cực cho ngành du lịch.

"Nếu chúng ta hoàn thiện một hệ thống hộ chiếu sức khoẻ được công nhận toàn cầu, nó sẽ là sự chuẩn bị hoàn hảo để ‘sống sót’ cho những lần đại dịch tiếp theo, biết đâu còn tồi tệ hơn Covid-19", Giáo sư Harry Severance nói.

 Nguồn tham khảo: CNBC.


Đức Nam
Ý kiến của bạn
Kinh tế xanh: Hoạt động tái chế rác thải của Việt Nam đang ở đâu? Kinh tế xanh: Hoạt động tái chế rác thải của Việt Nam đang ở đâu?

Mỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.