S&P nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+

Kinh doanh
09:10 AM 27/05/2022

Việt Nam là một trong hai nước ở châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng S&P nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023.

Ngày 26/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam khi đánh giá nền kinh tế trên đà phục hồi trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID-19.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng đánh giá Việt Nam thể hiện sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong hai năm qua, Chính phủ đã có những biện pháp thắt chặt thủ tục hành chính nhằm đảm bảo trả đúng hạn các khoản nợ được bảo lãnh.

Bên cạnh triển vọng kinh tế, vị thế đối ngoại tốt và sức thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch cũng là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.

S&P nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ - Ảnh 1.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.

S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng vài năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn so với mức trung bình các quốc gia với mức thu nhập tương đồng.

Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.

Trong lĩnh vực tài khóa, S&P đánh giá nền tài chính công của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái ổn định trong bối cảnh thu chi ngân sách chịu áp lực vì dịch COVID-19.

Tương tự như hầu hết các nền kinh tế khác, thâm hụt tài khóa của Việt Nam gia tăng trong hai năm qua do gián đoạn thu chi liên quan đến đại dịch. Dù Chính phủ có kế hoạch giữ mức thâm hụt ở mức trung bình 3,7% GDP trong kế hoạch 5 năm gần nhất bao gồm 2021-2025, S&P dự kiến thâm hụt tài khóa sẽ ở mức hơn 4% GDP trong hai năm tới thực hiện chương trình phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, tuy vậy đánh giá dư địa chính sách vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh.

Về mặt xã hội, S&P ghi nhận Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân.

Theo Bộ Tài chính, việc Tổ chức S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng tín nhiệm vẫn có thể hạ xếp hạng Việt Nam nếu điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng hoặc có căng thẳng đáng kể trong hệ thống ngân hàng làm suy yếu nghiêm trọng vị thế tài khóa của Chính phủ, đẩy các khoản trả lãi vay vượt 10% tổng thu nhập của chính phủ. Bên cạnh đó, S&P lưu ý một số điểm yếu còn tồn tại trong khu vực ngân hàng và tài chính, cũng như hệ thống cứng nhắc xung quanh việc giải ngân đầu tư công.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.