SSI Research: VietinBank đang đẩy mạnh trích lập dự phòng, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:09 AM 28/08/2021

Công ty chứng khoán đánh giá, VietinBank đang tích cực tái cơ cấu dư nợ cho vay theo hướng phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn, đồng thời nỗ lực tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu.

Trái ngược với mức tăng trưởng 3 chữ số trong quý 1, VietinBank công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 giảm so với dự kiến, chỉ đạt 2.800 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ. 

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nguyên nhân lợi nhuận quý 2/2021 của VietinBank không như kỳ vọng ban đầu là do ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng. VDSC đánh giá, tuy khiến lợi nhuận giảm nhưng điều này mang ý nghĩa tích cực về bộ đệm dự phòng khi xét thêm bản chất khoản nợ được cơ cấu. 

Tương tự, Chứng khoán SSI cũng dự báo VietinBank sẽ chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng trong năm 2021-2022 để ứng phó đại dịch và điều này tác động tới lợi nhuận trong ngắn hạn. 

Ngoài ra, mới đây, do đợt bùng phát lần 4 của dịch COVID-19, VietinBank đã công bố gói hỗ trợ tín dụng khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Gói hỗ trợ bắt đầu từ ngày 15/7/2021 và ngân hàng có thể mất 2 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi cho 6 tháng đầu năm 2021. 

Theo đó, SSI hạ dự báo lợi nhuận của VietinBank do ngân hàng vừa triển khai gói hỗ trợ tín dụng mới và giảm thu nhập từ phí để hỗ trợ khách hàng. Nhóm phân tích ước tính lợi nhuận nhà băng này đạt 18.200 tỷ đồng trong năm 2021 và 25.100 tỷ đồng trong năm 2022. 

Dù vậy, SSI giữ quan điểm tích cực về triển vọng của VietinBank do ngân hàng đã tích cực tái cơ cấu dư nợ cho vay theo hướng phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn, cũng như nỗ lực không ngừng để tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Việc ghi nhận thu nhập từ phí bancassurance và gia tăng hoa hồng bán bảo hiểm trong những năm tới cũng sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng.

Tài sản sinh lãi (IEA) của ngân hàng cũng tăng mạnh từ cho vay khách hàng và liên ngân hàng. IEA tăng 9,9% so với đầu năm (cao hơn mức trung bình các ngân hàng SSI nghiên cứu là 6,9%), với phần lớn tăng trưởng chính phát sinh trong quý 2/2021. 

Khác với đà tăng trưởng chậm trong 2020, trong 6 tháng đầu năm 2021, VietinBank thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt khi Vietcombank giảm đáng kể dư nợ trên thị trường này. Cho vay TCTD khác trong tổng tài sản sinh lãi của VietinBank đã tăng lên 15,3% từ 11,4% trong 2020.

Cơ cấu cho vay tiếp tục chuyển sang phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 5,6% trong nửa đầu năm, sát với trung bình hệ thống ngân hàng là 5,5% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm. Động lực tăng trưởng chính là khách hàng SME và khách hàng cá nhân,… 

Phân khúc khách hàng cá nhân và SME là đối tượng khách hàng mục tiêu của VietinBank trong những năm gần đây để cải thiện lợi suất tài sản. Hai phân khúc này chiếm 56,6% tổng tín dụng của nhà băng này, tăng đáng kể từ 43,5% trong 2017.

Về huy động vốn, tiền gửi khách hàng tăng mạnh 5,2% so với đầu năm, cao hơn so với trung bình toàn hệ thống là 3,1%. 

SSI kỳ vọng số hoá và phân khúc FDI sẽ giúp VietinBank tăng CASA. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng có gần 700.000 khách hàng cá nhân mới, nâng tổng số khách hàng cá nhân lên 15 triệu khách, trong đó 11,5 triệu khách giao dịch thường xuyên. Kết quả sơ bộ đầy hứa hẹn, với tổng số lượng khách hàng sử dụng phần mềm iPay tăng lên 3,6 triệu khách, tăng tới 43% so với cùng kỳ, tổng số lượng giao dịch tăng 117%. Số lượng giao dịch qua E-bank tăng nhanh, chiếm 62% tổng số lượng giao dịch, từ mức chỉ 41% trong năm ngoái. 

Đối với khách hàng doanh nghiệp, số lượng khách hàng sử dụng E-bank cũng tăng 101% so với cùng kỳ, với số lượng và giá trị giao dịch tăng 122% và 107% trong quý 2/2021. 

Số hoá cải thiện và kiểm soát tốt hoạt động quản lý nhân viên giúp chi phí hoạt động của VietinBank được cải thiện. SSI cho biết, CIR 6 tháng đầu năm của VietinBank giảm còn 28,5%, thấp hơn nhiều so với 31,9% cùng kỳ năm ngoái. 

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 của VietinBank ở mức 1,34%. Nợ xấu tăng do VietinBank chủ động tái cơ cấu kỳ hạn thanh toán cho 6.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với một số khách hàng lớn được đánh giá đủ khả năng duy trì hoạt động. Theo quy định hiện hành (Thông tư 02/2013), khoản nợ nói trên trên bị hạ xuống nợ Nhóm 5 và ngân hàng đã trích dự phòng 3 nghìn tỷ đồng cho khoản nợ này. Mặc dù phân loại nợ Nhóm 5, ngân hàng ước tính các khách hàng sẽ thanh toán các khoản nợ tái cơ cấu này và sẽ được phân loại lại thành khoản vay tiêu chuẩn trong quý 3/2021.

Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 03 của VietinBank là 4,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay), hiện phân loại thành nợ tiêu chuẩn. Với 929 khách hàng, dư nợ cho vay nhóm này là 49 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,55% tổng dư nợ cho vay, trong khi lãi phải thu là 1,6 nghìn tỷ đồng. Theo Thông tư 03, VietinBank sẽ trích lập dự phòng cho toàn bộ 49 nghìn tỷ đồng dư nợ, ước tính là 11,9 nghìn tỷ đồng (sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo). Trong quý 1/2021, VietinBank đã trích lập dự phòng 5 nghìn tỷ đồng, vượt mức tối thiểu cho năm 2021 (3,57 nghìn tỷ đồng).

Các chuyên gia của SSI đánh giá, VietinBank đã tích cực tái cơ cấu dư nợ cho vay theo hướng phân khúc bán lẻ và có lợi suất cao hơn, cũng như nỗ lực không ngừng để tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Việc ghi nhận thu nhập từ phí bancassurance và gia tăng hoa hồng bán bảo hiểm trong những năm tới cũng sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng.

Thu Thuỷ
Ý kiến của bạn
TP. HCM: Quý 1, lượng kiều hối đạt gần 2,9 tỷ USD, cao nhất trong 3 năm TP. HCM: Quý 1, lượng kiều hối đạt gần 2,9 tỷ USD, cao nhất trong 3 năm

Lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 2,86 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua, góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ trong bối cảnh tỉ giá chịu nhiều sức ép.