Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam

Diễn đàn
03:08 PM 11/05/2023

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó.

Nguyên nhân của việc hạ dự báo trên là do cơ quan này đang xem xét thận trọng hơn các yếu tố bên ngoài và đánh giá các chỉ số vĩ mô Việt Nam 4 tháng qua đang chậm lại.

Theo Standard Chartered, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm gần 12%, nhập khẩu hạ 15,4% so với cùng kỳ, với thặng dư thương mại đạt 6,4 tỷ USD. Lạm phát ở mức 2,8% trong tháng 4, giảm tháng thứ 3 liên tiếp; trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,6% do doanh số bán lẻ tăng mạnh 11,5%. Vốn FDI giải ngân đạt gần 6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ; vốn cam kết cũng giảm gần 18%, xấp xỉ 9 tỷ USD.

"Việt Nam có đặc thù nhập khẩu nhiều, chỉ số nhập khẩu giảm đáng kể cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại dù tiêu dùng trong nước vẫn tăng", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài tăng trưởng, Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống 5% vào cuối quý II và duy trì đến hết cuối 2025. Tuy nhiên, đơn vị này cũng không loại trừ tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt vào cuối năm do Ngân hàng Nhà nước có thể chú trọng vào ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.

Theo đại diện Standard Chartered, từ đầu 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Ngoài giảm lãi suất, từ tháng 4, cơ quan này cũng xem xét khoanh, giãn, hoãn trả nợ cho doanh nghiệp (tối đa 12 tháng) để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tuy nhiên, để phá băng thị trường bất động sản, ông Tim Leelahaphan cho rằng, có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản khác, bởi các biện pháp đang áp dụng mới giúp doanh nghiệp lĩnh vực này giảm áp ực trả nợ trong ngắn hạn.

Trước đó, nhiều định chế tài chính quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam, ví dụ IMF (từ 6,2% xuống 5,8%), WB (từ 6,7% còn 6,3%), ADB còn 6,5%. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay được nhìn nhận bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa leo thang và biến động địa chính trị.

Thực tế, mức tăng 6,5% - mục tiêu Chính phủ đặt ra được đánh giá là kịch bản tươi sáng nhất nhưng đầy thách thức sau khi GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5% năm nay, các quý sau phải tăng trưởng rất cao, trong đó, quý II phải tăng 6,7%, quý III tăng 7,5%, quý IV tăng 7,9%.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn