Sử dụng điện an toàn dịp Tết Nguyên đán 2021

Xã hội
06:10 PM 11/02/2021

Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng điện tại các đô thị, đặc biệt là khu chung cư tăng cao, một số máy biến áp bị quá tải, không đảm bảo chất lượng điện năng, điện áp thấp, nhất là vào giờ cao điểm. Việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm là vấn đề quan trọng để mọi người vui xuân, đón Tết an toàn, trọn vẹn.

Quá tải đường dây

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ( Bắc Ninh) đã từng có cái Tết "hú vía" khi sử dụng nhiều thiết bị điện gây sự cố quá tải, nếu không may mắn xử lý kịp thời có thể đã ảnh hưởng đến tính mạng của cả gia đình.

"Gia đình tôi sống tại chung cư, dịp Tết do nhu cầu dùng điện tăng cao. Hôm đó, gia đình có khách đến "hóa vàng", cả nhà chuẩn bị cơm nước nên sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến đường dây quá tải. Tiếng nổ lớn, sau đó khói mù mịt, mùi khét bốc lên cả căn phòng. Cũng may Ban quản lý tòa nhà xử lý kịp thời, nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra", chị Hoa cho biết.

photo-1612794641899

Nhu cầu sử dụng điện dịp tết tăng cao đột biến dẫn dến quá tải, chập cháy đường dây điện. Ảnh EVNHANOI

Còn đối với gia đình anh Đỗ Công Hoan (làm việc tại Canon Việt Nam) cũng được phen thoát chết cũng do sự cố điện vào dịp Tết nguyên đán.

"Chả là được ngày đi sắm Tết, tôi có mua ít thiết bị trang trí cho gia đình, không may do rò rỉ trong lúc đấu điện nên tôi bị điện giật. Cũng may, lúc đó vợ tôi ngắt cầu dao kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng sau sự cố đó, tôi cũng thấy "rùng mình" mỗi khi phải sửa chữa hay làm việc gì liên quan đến điện", anh Hoan chia sẻ.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn (Tổng công ty Điện lực Hà Nội), thời điểm tết Nguyên đán là lúc nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao nên các phụ tải sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ tăng mạnh, đặc biệt là vào chiều và tối đêm Giao thừa dễ gây quá tải lưới điện dẫn đến những sự cố không mong muốn như chập cháy thiết bị điện tại hộ gia đình, nhất là khu dân cư, chung cư có đông dân cư sinh hoạt.

"Thời điểm này nhiều trường hợp dẫn đến tai nạn điện cho xuất phát từ nguyên nhân do người dân bất cẩn trong việc trang trí ánh sáng, sử dụng nguồn điện, sử dụng nguồn điện, sử dụng các loại pháo giấy có dây tráng kim loại, đèn trời, thả diều…ở khu vực có lưới điện hoặc trạm biến áp dẫn đến chập cháy lưới điện hay tai nạn điện xảy ra.

Vui xuân, đón Tết an toàn

Cứ vào dịp cận Tết, khi nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tăng cao thì công tác đảm bảo an toàn, sử dụng điện lại được đặt ra vô cùng cấp thiết đối với ngành Điện.

Theo ông Nguyễn Đăng Thiện- Phó Trường ban An toàn điện (Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội): Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong các dịp Tết, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Công ty Điện lực, Công ty lưới điện cao thế kiểm tra toàn diện các đường dây, trạm biến áp…kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ gây sự cố lưới điện.

Tiến hành rà soát, củng cố các thiết bị lưới điện, bổ sung các biển cảnh cáo an toàn điện để phòng cháy nổ tại các vị trí cột điện, trạm biến áp, nơi diễn ra các lễ hội, khu vui chơi, giải trí, tập trung đông người…Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức sử dụng điện an toàn, hiệu quả và an toàn phòng chống cháy nổ trong nhân dân, an toàn công trình lưới điện cao áp.

photo-1612794643663

Ngành Điện khuyến nghị người dân sử dụng điện an toàn dịp Tết Tân Sửu 2021

Ngành điện cũng khuyến nghị người dân sử dụng điện an toàn, hiệu quả dịp Tết: Không nên bắn các loại pháo, giấy có tráng kim loại gần đường dây, thiết bị lưới điện và trạm điện; không thả đèn trời, thả diều, đồ chơi, thiết bị bay tại các khu vực có đường dây, thiết bị lưới điện và trạm điện; không lạm dụng cột điện, trạm điện làm hàng quán và các hình thức kinh doanh khác để tránh sự nguy hiểm nếu có sự cố; đề phòng và cẩn thận tàn lửa khi dùng máy hàn điện, hàn hơi…

Sử dụng dây dẫn điện có xuất sứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm dây phù hợp với công suất sử dụng, tránh quá tải gây chập cháy; cầu dao, cầu chì, công tắc; ổ cắm trong gia đình nên dùng loại đảm bảo chất lượng, xuất sứ rõ ràng nên đặt cao hơn nền nhà 1,4m để an toàn cho trẻ nhỏ và tránh khả năng ngập nước.

Không dựng ăng- ten, cây nêu, buộc dây phơi, biển quảng cáo, bang rôn, khẩu hiệu, giàn giáo xây dựng gần hoặc có khả năng đổm bay, rơi vào đường dây và công trình điện. Không cắm trực tiếp đầu dây dẫn điện vào ổ cắm; không sử dụng nhiều thiết bị điện. Khi sử dụng thiết bị điện cần đảm bảo cách điện tốt, không để rò rỉ khi lắp đèn trang trí, quảng cáo trong nhà, ngoài đường. cần chọn các hãng uy tín, đạt tiêu chuẩn về an toàn điện khi mua sắm.

Ông Thiện cũng nhấn mạnh: Chỉ được sửa chữa điện trong nhà sau khi đã cắt nguồn điện. Đối với những mối nối giữa hai đầu dây dẫn phải nối chắc chắn băng cách điện kỹ để tránh bị nước và hơi ẩm xâm nhập gây rò rỉ. Khi lắp đặt dụng cụ máy móc phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà chế tạo, lưu ý phải nối đất an toàn cho vỏ thiết bị máy bơm nước, bình nước nóng lạnh dùng điện, tủ lạnh lò vi sóng, bếp điện.

Cắt ngay nguồn điện khi mạng điện của gia đình có nguy cơ bị ngập nước do úng lụt và không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà. Sử dụng điện tiết kiệm bằng cách tắt bớt những thiết bị điện không cần thiết.

Đặc biệt, trong trường hợp phát hiện có người bị điện giật, phải nhanh chóng cắt cầu dao, cầu chì, áp- tô- mát gần nhất. Phải hô to để mọi người đến cứu trợ. Trường hợp chưa cắt được điện thực hiện ngay như sau: Dùng sào tre hay gỗ khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân. Đứng trên bàn (bằng gỗ) túm quần áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện hoặc dùng dao búa có cán gỗ chặt đứt dây điện. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách nguồn điện. Tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất.

Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân khi phát hiện sự cố về điện cần bảo ngay cho ngành Điện hoặc chính quyền địa phương, công an địa phương, đơn vị quản lý điện gần nhất để kịp thời xử lý. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi làm ảnh hưởng đến vận hành an toàn điện sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 134/201/NĐ-CP.



Minh Đăng
Ý kiến của bạn