Sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ, hướng đến giảm phát thải

Đầu tư và Tiếp thị
08:51 AM 28/08/2024

Rơm rạ được xem là “kho vàng” của ngành nông nghiệp. Việc tái sử dụng rơm rạ sẽ đem lại nhiều giá trị, giảm phát thải và giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Theo thống kê, tổng lượng rơm rạ mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 24,4 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có gần 7,4 triệu tấn rơm rạ (khoảng 30%) được thu gom, di chuyển khỏi đồng ruộng để tái sử dụng. Phần lớn nông dân sẽ vùi rơm vào đất hoặc đốt đồng.

Sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ, hướng đến giảm phát thải- Ảnh 1.

Thói quen đốt rơm rạ hay còn gọi là “đốt đồng” xuất phát từ mục đích diệt mầm bệnh, tuy nhiên cách xử lý này vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học. Việc đốt bỏ và vùi rơm vào ruộng còn tạo CO2 và CH4, góp phần khiến canh tác lúa đạt mức phát thải lên đến 88,6 triệu tấn carbon tương đương mỗi năm.

Những vấn đề trên, theo các chuyên gia, có thể được giải quyết thông qua giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Trong kinh tế tuần hoàn, rơm rạ là phụ phẩm của ngành nông nghiệp nhưng lại là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác. Chẳng hạn, rơm làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi; làm nguyên liệu để trồng nấm rơm; dùng để phủ luống, phủ gốc cho cây trồng...

Nếu canh tác lúa theo cách truyền thống, 1ha người nông dân thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm. Nhưng nếu tận dụng sản phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ, người dân sẽ thu nhập tới 133 triệu đồng/ha/năm.

Do đó, theo các chuyên gia, nguồn rơm rạ hàng chục triệu tấn mỗi năm được xem là “kho vàng” của ngành nông nghiệp. Không chỉ vậy, việc đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện thu nhập từ bán tín chỉ carbon.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Theo đó, quy trình để giảm phát thải trong canh tác lúa gồm: giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng tưới nước khô ướt xen kẽ; đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng hoặc xử lý rơm rạ giảm phát thải để giảm khí mê-tan và các khí khác.

Việc áp dụng quy trình trên cho kết quả giảm từ 2-6 tấn CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương với CO2) mỗi ha so với ruộng đối chứng.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) tiến tới bán tín chỉ carbon lúa.

Bộ NN-PTNT cũng hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.

Như vậy, không chỉ giúp giải quyết được câu chuyện phát thải khí nhà kính mà còn tiến tới thực hiện cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Tiếp thị liên kết tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng Tiếp thị liên kết tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo Affiliate Marketing Report 2025 mới được AccessTrade công bố, thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Ngành này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái TMĐT Việt Nam vào năm 2025, nhất là trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới ngày càng phát triển.