Sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp: Chủ động phòng ngừa sự cố
Thời gian qua, để bảo đảm an toàn sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng hóa chất trên địa bàn. Tuy nhiên, việc chủ động có các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa sự cố vẫn là giải pháp quan trọng nhất.
Một buổi diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất do Công ty TNHH An toàn lao động Việt Nam phối hợp cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức.
Khó khăn trong quản lý
Sau vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) ngày 30-6 vừa qua, cơ quan chức năng đã phải áp dụng các biện pháp như che phủ khu vực cháy, phun tiêu độc, sử dụng thiết bị chuyên dụng thu dọn phế thải… để ngăn ngừa chất độc có thể phát tán. Trước đó, hồi tháng 8-2019, vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) cũng đã khiến cơ quan chức năng tốn nhiều công sức, thời gian để khắc phục ảnh hưởng môi trường. Điều đó cho thấy sự cố liên quan đến hóa chất thường gây hậu quả khó lường, đòi hỏi công tác quản lý phải chặt chẽ.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 108.568 doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất hóa chất (phối trộn sơn), hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều sử dụng hóa chất. Hóa chất lưu giữ trong kho được phân lô, phân loại, trang bị phòng cháy, chữa cháy, bảo hộ lao động khi tiếp xúc...
Chia sẻ về công tác quản lý hóa chất trong sản xuất công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, các hoạt động liên quan đến hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người và môi trường. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay trong công tác quản lý là các cơ sở sản xuất nhỏ có sử dụng hóa chất nằm gần các khu dân cư đang thiếu quy định quản lý cụ thể.
Theo luật sư Nguyễn Thị Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội), Luật Hóa chất cũng không nêu rõ khoảng cách an toàn giữa kho chứa và khu dân cư, mà chỉ yêu cầu xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hóa chất và phải thiết lập khoảng cách an toàn đối với các điểm dân cư...
Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) Hoàng Văn Lực chia sẻ, đối với cơ sở sản xuất gần khu dân cư, UBND phường không quản lý cấp phép, khi cơ quan chức năng cấp phép cho doanh nghiệp có sử dụng hóa chất cũng không trao đổi với địa phương, nên việc quản lý rất khó khăn.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy nỗ lực dập lửa trong vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên).
Cách nào ứng phó với “kho” hóa chất gần khu dân cư?
Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có 117 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời (trong đó có nhiều cơ sở có sử dụng hóa chất trong sản xuất như Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông).
Trong khi các cơ sở trên chưa di dời được thì việc quản lý sử dụng hóa chất và xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố hóa chất có thể xảy ra là hết sức cần thiết. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Sở Công Thương cùng các địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn hóa chất và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại doanh nghiệp. Mục đích của các cuộc diễn tập là để doanh nghiệp chuẩn bị “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy, huy động lực lượng, bảo đảm phương tiện và hậu cần tại chỗ.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, Sở Công Thương Hà Nội đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định chi tiết đối với các đơn vị sử dụng hóa chất, nhất là quy định về khoảng cách an toàn. Đây là căn cứ để có thể dừng hoạt động, di dời cơ sở có nguy cơ gây nguy hiểm. Hiện tại, Sở đã yêu cầu tăng cường khoanh vùng và tập trung quản lý, giám sát nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp gần khu dân cư. Đồng thời phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra về phòng, chống cháy nổ, rò rỉ, phát tán chất độc hại; giám sát quy trình kỹ thuật…
Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam Đỗ Duy Phi cho rằng, bên cạnh việc doanh nghiệp ý thức về trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sử dụng hóa chất, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm vận hành đúng chế độ, có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất…
Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, khi doanh nghiệp không còn phải thực hiện thủ tục báo cáo Sở Công Thương thẩm định kế hoạch, biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất thì công tác hậu kiểm cần phải được tăng cường. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương công khai cho cộng đồng dân cư nơi cơ sở hoạt động thông tin về an toàn hóa chất, biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường… theo Luật Hóa chất.
Với đặc điểm phản ứng của hóa chất, phạm vi phát tán khi có sự cố là rất rộng, hậu quả khó lường. Do đó việc chủ động phòng ngừa, ứng phó là giải pháp chính, giúp bảo vệ tài sản của chính doanh nghiệp, bảo vệ con người, môi trường sống của cộng đồng và ít tốn kém hơn so với giải quyết sự cố hóa chất nếu xảy ra.
Trong năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã xử phạt 39 đơn vị, với số tiền 175 triệu đồng do chưa đáp ứng các điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất. Công an thành phố Hà Nội cũng kiểm tra 145 doanh nghiệp, xử phạt 1,24 tỷ đồng do vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.