Sự khác biệt giữa Chứng chỉ Năng lượng tái tạo và Tín chỉ carbon
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn cầu đang tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để giảm lượng khí thải carbon. Hai công cụ phổ biến nhất hỗ trợ mục tiêu này là Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (RECs) và Tín chỉ carbon (Carbon credit). Mặc dù cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính bền vững và giảm tác động môi trường, nhưng chúng hoạt động theo những cơ chế khác nhau và phục vụ các mục đích riêng biệt.
Renewable Energy Certificate - Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (RECs)
Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (Renewable Energy Certificates - RECs) là chứng nhận đại diện cho một megawatt - giờ (MWh) hoặc 1.000 kilowatt - giờ (kWh) điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thủy điện hoặc sinh khối. RECs là hàng hóa môi trường có thể giao dịch, đại diện cho các hoạt động liên quan đến việc sản xuất năng lượng tái tạo.

Chứng chỉ năng lượng tái tạo RECs
Mục đích của RECs là khuyến khích và thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo bằng cách cung cấp động lực tài chính cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. RECs cho phép các nhà sản xuất năng lượng tái tạo bán lợi ích môi trường của điện mà họ tạo ra một cách độc lập với bản thân điện năng mà hiện họ đang tạo ra.
RECs được mua bán trên các thị trường năng lượng tái tạo khác nhau và có thể được mua bởi doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân muốn hỗ trợ sản xuất năng lượng tái tạo và giảm dấu chân carbon của họ.
Tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, cấp cho các tổ chức, bao gồm cả các quốc gia, quyền phát thải một tấn (1.000 kg) CO2 hoặc lượng khí thải tương đương.Tín chỉ carbon, còn được gọi là bù trừ carbon trong thị trường carbon tự nguyện, là một dạng "tiền tệ khí hậu". Điều này có nghĩa là chúng chịu ảnh hưởng của cung và cầu và được giao dịch trong một thị trường "giới hạn và giao dịch" (cap-and-trade).

Tín chỉ cacbon
Tín chỉ carbon là một cơ chế thị trường nhằm khuyến khích giảm phát thải carbon. Đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính. Các tín chỉ này được tạo ra thông qua các dự án giúp giảm hoặc loại bỏ khí nhà kính khỏi bầu khí quyển.
Các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon bao gồm sáng kiến trồng rừng, cải thiện hiệu suất năng lượng, và thu hồi khí methane từ bãi rác hoặc hoạt động nông nghiệp. Sau khi được tạo ra, tín chỉ carbon có thể được mua bán trên các thị trường carbon.
Các công ty hoặc tổ chức có mục tiêu giảm phát thải có thể mua các tín chỉ này để bù đắp lượng khí thải của họ. Bằng cách mua tín chỉ carbon, các tổ chức này tài trợ cho các dự án giảm phát thải ở nơi khác, từ đó bù trừ cho lượng phát thải của chính họ.
Tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các hoạt động giảm phát thải và thúc đẩy các thực hành phát triển bền vững. Chúng cung cấp một cơ chế để các công ty hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện với khí hậu trong khi vẫn đạt được các mục tiêu giảm phát thải của họ.
Sự khác biệt chính giữa RECs và Tín chỉ carbon
Cả Tín chỉ carbon và RECs đều cung cấp các phương thức để các doanh nghiệp giảm thiểu lượng phát thải carbon, qua đó góp phần giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Nhưng như đã biết, chúng là những công cụ hành động khí hậu khác nhau và mang lại tác động khác nhau.
RECs đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Bằng cách khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức đầu tư vào năng lượng tái tạo, RECs giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và giảm tác động môi trường liên quan đến các nguồn năng lượng truyền thống.
Tín chỉ carbon lại có mục tiêu chính là giảm lượng khí thải carbon còn lại sau khi đã thực hiện các biện pháp giảm phát thải nội bộ. Các tín chỉ này cho phép doanh nghiệp và tổ chức bù đắp lượng khí thải carbon còn lại của họ bằng cách đầu tư vào các dự án giảm phát thải.
Nếu không có tín chỉ carbon, những sáng kiến tốn kém như trồng rừng hoặc thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) sẽ không thể duy trì do thiếu tính khả thi về mặt tài chính.
Với RECs và Tín chỉ carbon, tại các nước Đông Nam Á, có hai nền tảng đăng ký RECs phổ biến: Tiêu chuẩn REC Quốc tế (I-REC) và công cụ Giao dịch Năng lượng Tái tạo Toàn cầu (TIGR).
Các nền tảng này hoạt động như cơ sở dữ liệu tập trung, ghi nhận thông tin về việc sản xuất năng lượng tái tạo, cấp phát, sở hữu và thu hồi RECs.
Thông qua I-REC và TIGR, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo có thể đăng ký cơ sở của họ và chứng nhận sản xuất năng lượng tái tạo, đảm bảo tính minh bạch và toàn vẹn của thị trường năng lượng tái tạo.
Còn thị trường tín chỉ carbon có nhiều hệ thống đăng ký, trong đó hai nền tảng phổ biến nhất là Verra (trước đây là Tiêu chuẩn Carbon Xác minh - VCS) và Gold Standard. Các nền tảng này đóng vai trò là cơ sở dữ liệu để theo dõi việc tạo ra, cấp phát, chuyển nhượng và thu hồi tín chỉ carbon. Chúng ghi nhận thông tin về các dự án giảm phát thải, bao gồm chi tiết dự án, lượng khí thải giảm được và tín chỉ đã phát hành.
Thông qua Verra và Gold Standard, các dự án giảm phát thải được đăng ký và theo dõi nhằm đảm bảo tính minh bạch, uy tín và tuân thủ các tiêu chuẩn và quy trình liên quan.
Nguyễn Chí Dũng - Hà Loan
Theo báo cáo The Wealth Report 2025, Việt Nam hiện có khoảng 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD, chiếm 0,2% tổng số triệu phú trên toàn thế giới.