“Sự kiện Evergrande”: Sẽ có áp lực lên thị trường chứng khoán, nhưng sớm qua đi

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:07 AM 22/09/2021

Evergrande được biết đến là công ty Bất động sản lớn thứ 2 tại Trung Quốc, niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông. Công ty này đang đứng trước rất nhiều khó khăn về việc mất thanh khoản, tạo ra rủi ro không thể thanh toán các khoản nợ vay đến hạn.. Hầu hết mọi người đều đang phán đoán sự kiện tệ đến mức nào, và đặt câu hỏi là có hiệu ứng domino – rủi ro hệ thống hay không?

Evergande có quy mô doanh nghiệp lớn, doanh thu năm 2020 là 110 tỷ USD , tạo công ăn việc làm 200.000 nhân viên, và đang có khoản nợ hơn 300 tỷ USD – nên nếu "vỡ", theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) sẽ ảnh hưởng rất lớn, có thể lan toả chung tới bất động sản Trung Quốc - vốn chiếm 25% GDP.

Một ông lớn bất động sản gặp vấn đề thì các ngân hàng sẽ "khựng lại", hạn chế cho vay các DN bất động sản khác, càng lan rộng ra, các DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ sẽ rất khó khăn.

Đặt tình huống là Evergrande có vỡ nợ dẫn đến phá sản hay không? Ông Thành chia sẻ quan điểm, với quy mô và rủi ro khi lan ra từ "sự kiện Evergrande" có thể sẽ ảnh hưởng lan rộng khiến nhiều công ty bất động sản lớn đối mặt nguy cơ sụp đổ và đặt ra rủi ro hệ thống đối với nền kinh tế. Nếu sự kiện có ảnh hưởng lan rộng, Trung Quốc sẽ hành động, còn hiện nay, đến từ việc Chính phủ Trung Quốc đang chủ động "mạnh tay" hơn để lành mạnh hóa và hạ nhiệt một phần thị trường BĐS tại quốc gia này.

Nhà đầu tư đang chờ là khi nào chính quyền sẽ giải cứu, nhưng chắc chắn, chính quyền Trung Quốc theo dõi, sẽ để bài học nhất định, nên bản thân DN cũng đang nỗ lực tự xử lý – hôm qua đã trả nợ cho 70.000 người, không phải bằng tiền mặt mà trả bằng tài sản là bất động sản với giá chiết khấu.

Ông Thành dự báo, chính quyền Trung Quốc sẽ để cho DN tự xử lý trước. Khoảng thời gian hiện tại sẽ là áp lực lên thị trường nhưng không đến mức đổ vỡ.

Nhiều lo lắng về rủi ro tạo ra một cú sốc nghiêm trọng tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers xảy ra cách đây 13 năm về trước , nhưng theo ông Thành, rủi ro của giai đoạn khủng hoảng 2008 cũng từ thị trường bắt động sản, nhưng bắt đầu bằng câu chuyện bong bóng và mức độ đòn bẩy để mua tài sản lan rộng, lan sang cả cá nhân và ai cũng cho rằng thị trường bất động sản sẽ "không chết". Rất nhiều người đã mua trái phiếu được đảm bảo bằng dòng tiền từ cho vay bất động sản nên gây ra rủi ro. Và thứ 2 là Ngân hàng – đánh thẳng vào bộ não, trái tim của nền kinh tế.

Và thường, một ngân hàng "chết" không phải vì nợ xấu mà vì mất thanh khoản.

Ngoài ra, nhìn vào một trong những thước đo rủi ro quan trọng là CDS (Credit Default Swap), có thể thấy ở thời điểm năm 2008 khi câu chuyện đổ vỡ của Lehman Brother diễn ra, CDS tại hầu hết quốc gia đều tăng vọt lên mức rất cao (trên 200). Trong khi đó ở diễn biến hiện tại, CDS vẫn đang cho thấy các thông số bình ổn và đây là chỉ dấu cho thấy đánh giá của thị trường về vấn đề của Evergrande là ít rủi ro hơn rất nhiều so với sự kiện Lehman Brother trước đây.

“Sự kiện Evergrande”: Sẽ có áp lực lên thị trường chứng khoán, nhưng sớm qua đi - Ảnh 1.

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, Evergrande là DN bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc, quy mô tài sản quá lớn và dùng đòn bẩy cao. Too big to fail – sự kiện Evergrade đang có tác động mạnh đến thị trường tài chính Trung Quốc. Dự kiến Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm "ra tay giải quyết" để giảm hệ lụy, rủi ro hệ thống.

Đối với TTCK toàn cầu và Việt Nam, đang có những phản ứng mang tính chất tâm lý ngắn hạn nhiều hơn, chứ chưa bị tác động đến vấn đề đòn bẩy. Tuy nhiên, có một diễn biến có thể cần theo dõi, là với những chính sách Trung Quốc thay đổi nhiều trong lĩnh vực công nghệ, bán lẻ, và nay thêm cả bất động sản. Chính vì vậy, các quỹ đầu tư sẽ cân nhắc có nên ở lại thị trường Trung Quốc hay không, vì việc thay đổi chính sách liên tục khiến họ gặp khó khăn trong việc dự báo thị trường và chiến lược đầu tư cũng sẽ gặp thách thức.

Tính huống hiện nay của Trung Quốc là sự dịch chuyển dòng vốn FDI đang diễn ra và có khả năng trong tương lai cũng sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn FII.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng đang có những phản ứng mang tính tâm lý ngắn hạn đối với sự kiện Evergrande. Các rủi ro thị trường khác thì cũng đã được dự báo như quý 3 – các chỉ số kinh tế không tích cực, chỉ số hoạt động của DN cũng tương tự. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang chờ đợi khi nào mở cửa và kế hoạch mở cụ thể ra sao?

Các lo ngại thị trường về 1.200 điểm thực ra vẫn tiềm ẩn trong tâm thức của nhiều nhà đầu tư. Nhưng theo ông Minh, thị trường vẫn cứ đi lên, câu chuyện chính là sự luân chuyển dòng vốn đầu tư, nơi nào tốt hơn, "make money" thì dòng tiền sẽ chảy tới. Hiện các kênh đầu tư khác đều đang gặp khó, dòng tiền không chảy vào kinh doanh, đầu tư mở rộng được…thì chỉ có thể đầu tư gián tiếp, trong đó thị trường chứng khoán là kênh thanh khoản, hấp dẫn, nên tiền vẫn đang chảy vào đây. Ông Minh nhận định, thị trường sẽ có rung lắc, nhưng không giảm sốc.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset Việt Nam chi nhánh hội sở cho rằng, Evergrande sẽ ảnh hưởng cục bộ tới thị trường tài chính và chứng khoán Trung Quốc hơn là quốc tế, các kế hoạch cơ cấu đang được tiến hành và sẽ nhanh chóng qua, tính lan tỏa dây chuyền sẽ được chính phủ Trung Quốc kiểm soát và hỗ trợ ngay khi cần.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, rõ ràng, VN-Index đã có khởi điểm thuận lợi với lực cầu chủ động từ các bên tham gia ở phiên mở đầu tuần. Tuy nhiên, càng về sau thị trường càng đuối dần khi các tin liên đới tới Evergrande được lan đi và gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư cá nhân là chính. Phiên hôm qua, thị trường đang có những phản ứng chiết khấu rõ hơn thông tin từ Evergrande.

Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng, sẽ sớm qua đi trong vòng 1-2 phiên tới và những kì vọng của dòng tiền sẽ quay trở lại với những trọng điểm chính của nền kinh tế Việt Nam, gồm tái mở cửa từng phần và độ phủ vaccine, đi kèm với đó là các số liệu kinh tế quý 3 được bung ra như GDP âm hay PMI siêu thấp và đã thẩm thấu phần lớn. Nhà đầu tư không nên hoang mang bán tháo trong những bối cảnh ngắn hạn như vậy.

K Phạm
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.