Sự lạc quan trở lại với xuất khẩu gỗ
Đầu năm 2024 đã chứng kiến những dấu hiệu phục hồi khả quan, với mức tăng trưởng ấn tượng trong doanh số xuất khẩu gỗ, đạt gần 1,5 tỷ USD trong tháng 1 và gần 1 tỷ USD trong tháng 2, sự lạc quan bắt đầu trở lại với ngành xuất khẩu gỗ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi đạt 1,49 tỷ USD, tăng trưởng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 2, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 950 triệu USD, giảm 35,3% so với tháng 1/2024, nhưng tăng 8% so với tháng 02/2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 582 triệu USD, giảm 43,3% so với tháng 1/2024, nhưng tăng 3,9% so với tháng 2/2023.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với những triển vọng tươi sáng tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, ngành gỗ Việt Nam đang phấn chấn hướng đến mục tiêu 16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.
"Điều này mang lại một làn gió mới cho ngành xuất khẩu gỗ. Chúng tôi kỳ vọng rằng tồn kho tại các quốc gia sẽ dần được giải quyết, và nhu cầu của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi", ông Nguyễn Liêm, CEO của CTCP Lâm Việt và Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) chia sẻ tại diễn đàn “Ngành gỗ và nội thất Việt Nam năm 2024”.
Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường mới, đa dạng kênh bán hàng để bảo đảm chỉ tiêu cả năm.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng chỉ ra thị trường hiện tại không giống như những gì chúng ta từng thấy. Trước đây, các nhà mua hàng sỉ có thể đặt hàng lớn và bán dần, nhưng với sự lạm phát và lãi suất hiện tại cao ngất ngưởng, họ trở nên cẩn trọng hơn, chỉ đặt hàng theo từng tuần, tháng hoặc quý.
Do vậy, dù nhận thấy những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp cần thận trọng trước những biến động khó lường của thế giới. Doanh số xuất khẩu trong năm 2024 có thể chỉ ở mức tương đương với năm trước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước nỗi lo mới như nỗi lo nợ xấu, nợ khó đòi khi đối tác gặp khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng còn nhiều hạn chế. Trước hết, phần lớn doanh nghiệp chỉ tham gia vào quá trình gia công theo đơn đặt hàng và mẫu mã từ các nhà phân phối quốc tế. Thêm vào đó, quy mô doanh nghiệp nhỏ và trung bình chiếm đa số nhưng lại thiếu sự đầu tư vào xây dựng thương hiệu và phát triển kênh phân phối độc lập, khiến họ dễ bị tổn thương trong bất kỳ biến động kinh tế nào.
Sự mất cân bằng trong hệ thống xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam, với việc phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường như Mỹ, làm tăng rủi ro cho toàn ngành. Tại diễn đàn, bà Giovanna Castellina từ CSIL gợi ý: "Đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính bền vững của ngành. Ngoài ra, việc cải thiện thiết kế và mẫu mã sản phẩm cũng sẽ giúp thu hút khách hàng quốc tế nhiều hơn.
Ngoài ra, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cước vận tải hàng hóa sang EU và Hoa Kỳ đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khi bước vào tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Điều này mang lại hy vọng cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.
Theo các chuyên gia, dù còn đối mặt với nhiều bất ổn, ngành gỗ Việt Nam vẫn đủ sức mạnh để vượt qua thách thức. Dự báo ngành gỗ sẽ có một năm 2024 ổn định, trở lại mạnh mẽ về tăng trưởng trong năm 2025.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.