Sự thay đổi ngoạn mục của Làng chài Giang Thanh
Từ xa xưa nghề đánh bắt hải sản ở một số địa phương mang tính tự phát, quanh năm ngày tháng lênh đênh trên sông nước, đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên được Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa quan tâm, năm 1976, 171 hộ với 572 khẩu làng chài Giang Thanh (phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa) được bố trí đưa lên bờ cấp đất làm nhà, nhờ đó, các hộ được an cư lập nghiệp, bà con có cuộc sống ổn định.
Làng chài - HTX Vận tải Giang Thanh thuộc phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa, trước đó, nơi đây chỉ toàn núi đá, nhân dân xã Thiệu Khánh khai thác làm vật liệu xây dựng. Hiện nay đã trở thành một khu phố nằm sát bên bờ Sông Chu. Nhà ở quay mặt về hai hướng: Phía Bắc giáp Sông Mã, Phía Nam giáp đê Sông Chu, khu dân cư được hình thành 3 dãy: Dãy chân núi, dãy lưng chừng và dãy trên cao (đỉnh núi trước đây), một vị trí có thể nói là đắc địa "Sơn thủy hữu tình".
Cầu Phao Vồm (Thiệu Khánh)
Câu chuyện thuở xưa ôn lại
Trò chuyện với ông Lê Văn Tăng, một trong những "cây đa, cây đề" của Làng chài Giang Thanh, ông kể lại: "Giang Thanh từ một làng chài, sau này thành lập thành hợp tác xã vận tải đường thủy, có 50 - 60 hộ tham gia. Tôi được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX Giang Thanh, có nhiệm vụ tổ chức cho bà con đánh bắt hải sản và tìm kiếm hợp đồng, huy động các thuyền cùng tham gia chở hàng hóa.
Nguồn thu nhập chỉ đủ để trang trải, có dành dụm cũng không đáng kể, về mùa mưa lũ, tàu thuyền ít việc làm. Từ môi trường sống và điều kiện kinh tế nhân dân phải lăn lộn để bươn chải, nay ở nơi này, mai ở nơi khác, ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu, nhất là bậc tiểu học, bậc THCS, nhiều em không được học đến nơi đến chốn, số học sinh bậc THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả làng không có ai là cán bộ hưu trí, và ở độ tuổi 60 – 70 trở về trước, nhiều người không biết chữ".
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Ninh, Bí thư Chi bộ - Trưởng phố Giang Thanh cho hay: Đất nước được hòa bình thống nhất, Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa các hộ ngư dân đang sinh sống lênh đênh trên sông nước lên bờ để ổn định cuộc sống và việc làm cho nhân dân. Đặc biệt là chăm lo cho các cháu học sinh có nơi ở ổn định, không bị thất học, đến tuổi 100% các em được đến trường.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy - UBND TP. Thanh Hóa, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ phường Thiệu Khánh giao cho Chủ tịch UBND phường, hàng năm xây dựng kế hoạch đưa số hộ ngư dân đang sinh sống trên sông nước lên bờ, cấp đất ở để các hộ làm nhà.
Từ năm 1976 đến nay, UBND phường Thiệu Khánh đã tổ chức đưa 171 hộ, 752 khẩu lên bờ. Nhân dân xây được nhà ở kiên cố, khang trang. Nhờ đó cuộc sống nơi ở của nhân dân được ổn định, mọi người trong độ tuổi lao động có việc làm, không còn ai thất nghiệp. Với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, các hộ gia đình đã hợp tác đóng mới được 26 con tàu có trọng tải lớn, với nguồn vốn đầu tư cho một con tàu là 5 tỷ đồng, đã thu hút giải quyết việc làm cho 130 lao động làm nghề vận tải đường thủy.
Toàn phố có 19 lao động đi làm việc ở Đài Loan, có nguồn thu nhập cao. Ngoài ra, số lao động làm nghề khác như đánh bắt hải sản, dịch vụ thương mại và đa dạng các nghề dân dụng … Đời sống việc làm của nhân dân ổn định. Kinh tế phát triển khá, nâng mức thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng/năm, gấp hàng chục lần so với trước đây. Nhân dân làng chài vô cùng cảm ơn Đảng và Nhà nước, đặc biệt là phường Thiệu Khánh, các lãnh đạo đã quan tâm sâu sắc để động viên về tinh thần và hỗ trợ về kinh tế xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Mặt trước phía Bắc phố Giang Thanh
Bí thư Đảng ủy phường Thiệu Khánh, ông Lê Tiến Vinh luôn trăn trở khi phố Giang Thanh mới thành lập còn nhiều khó khăn. Ông trực tiếp sinh hoạt thường kỳ với Chi bộ Đảng để gần gũi nhiều hơn với bà con nhân dân làng chài, cùng tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân, ai cũng có việc làm ổn định. Ngày mới thành lập chi bộ có 3 Đảng viên, nay tổng số đã lên 7 đồng chí là lực lượng nòng cốt để xây dựng chi bộ vững mạnh, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Với sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân đoàn kết đồng lòng, vượt khó đi lên sẽ là kỳ vọng phố Giang Thanh sớm trở thành phố kiểu mẫu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Thiệu Khánh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành phường kiểu mẫu, đô thị thông minh, hiện đại.
Nếu một lần đến với Giang Thanh, du khách sẽ được trải nghiệm trời mây sông nước bao la: Cầu Phao Vồm (phường Thiệu Khánh) bắc qua Sông Chu trở thành con đường huyết mạch thông thương, giao thương về kinh tế, văn hóa, chính trị, nối liền nông thôn với TP. Thanh Hóa. Ấn tượng hơn phía Nam là Chùa Vồm (Thiệu Khánh) di tích xếp hạng cấp tỉnh. Phía Bắc bên kia Sông Chu là chùa Thái Bình (địa phận Thiệu Hóa), khách du lịch đi lại tấp nập, nhất là mùa lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn và dịp Tết đến, xuân về.
Ngày nay, cuộc sống mới của nhân dân làng chài (phố Giang Thanh) đã được "thay da, đổi thịt". Nơi đây đẹp về cảnh quan, thân thiện về môi trường, nhân dân giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, giàu tình người, kính trọng, hiếu khách. Hy vọng trong tương lai, phường Giang Thanh sẽ ngày càng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương.
Ngọc LanhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.