Sửa đổi Nghị định 65: Đề xuất cho phép thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Sẽ cho phép thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, trái phiếu đã phát hành được kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm. Đây là nội dung trong Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu bằng tiền có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan và phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp đồng thời phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản gặp khó khăn về thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023. Một số doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.
Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu. Thời gian tối đa là 2 năm.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, chưa có đợt phát hành nào trong năm 2023.
Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022.
Trong các đợt phát hành này, nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỷ đồng phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Trong 3 đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.
Trước đó, vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ. Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý 1/2023 ước đạt 30.655 tỷ đồng (giảm 40,3% so với quý 4/2022 và tăng 246,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn này, giá trị đáo hạn trong quý 4/2023 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.