Sửa Luật Xây dựng: Tránh tình trạng phạt cho tồn tại
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được nghiên cứu sửa đổi bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị.
Tăng mức phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xây dựng không phép, sai phép
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại phiên họp Quốc hội mới đây, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, UBTVQH nhất trí với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở…
Thống nhất quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng với pháp luật về quy hoạch; việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thẩm tra phục vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thống nhất với pháp luật về đấu thầu...
Tuy nhiên, nhiều vấn đề tiếp tục được các đại biểu quan tâm góp ý dự thảo sửa đổi Luật liên quan đến các lĩnh vực miễn giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, tình trạng quy hoạch “treo” và quyền lợi của người dân, tình trạng xây dựng không phép, sai phép…
Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng trong việc sửa đổi Luật Xây dựng, cần tránh tình trạng phạt rồi cho tồn tại, vì hình thức này sẽ không có tính răn đe. Nhất là với mức phạt hiện nay quy định cao nhất cho hành vi này là 1 tỉ đồng.
Theo đại biểu Thưởng, nếu xây dựng vượt thêm một tầng, phạt 1 tỉ trong khi chủ đầu tư có thể có thêm vài chục căn hộ, thu về cả trăm tỉ đồng. Chủ đầu tư sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ đồng để thu về cả trăm tỉ đồng, sẵn sàng chịu phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, một trong những nguyên nhân của nạn vi phạm trật tự xây dựng là do bất cập trong quy trình cấp phép xây dựng. Theo ông Hòa, quy trình cấp phép xây dựng hiện nay lẽ ra phải bao gồm ba khâu: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xây dựng đang tách ra ba khâu riêng biệt, vừa đẻ thêm thủ tục hành chính, vừa kéo dài thời gian cấp phép xây dựng, chủ đầu tư phải đi lại rất nhiều cơ quan.
Do đó, đại biểu Hòa đề nghị cần phải rà soát lại các hết các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng, sửa đổi, lược bỏ các công đoạn không cần thiết.
Liên quan tới nội dung dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, cần tạo điều kiện thông thoáng và phải phân cấp mạnh cho các cơ quan cấp dưới, chính quyền địa phương cấp dưới chứ không thể điều gì cũng lên Trung ương.
Cụ thể, Chính phủ có thể phân cấp cho các Bộ và các Bộ có thể phân cấp xuống cho địa phương. Từ đó, địa phương phân xuống các huyện để họ có đủ thẩm quyền làm. Điều quan trọng là phải gỡ bỏ các thủ tục rườm rà, liên thông với nhau trong quá trình tổ chức thẩm định, cấp giấy phép.
Các đại biểu cũng đề nghị, cần tách biệt các công trình miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn tại các khu vực ngoại thị, ngoại thành thuộc thị xã, thành phố với khu vực nông thôn ở các xã thuộc huyện để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Đây là 1 trong 15 chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội.