Sữa Quốc tế (IDP): Hậu thâu tóm bởi Blue Point, đề xuất mức cổ tức "khủng" lên đến 80% tiền mặt
Năm 2021, Sữa Quốc tế (IDP) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 6% lên 530 tỷ đồng. Dù vậy, HĐQT muốn trình mức chia cổ tức với tỷ lệ tăng mạnh lên mức 40 - 80% bằng tiền mặt. Trong khi năm 2020 lợi nhuận tăng trưởng mạnh, Công ty lại đề xuất không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vồn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Sữa Quốc tế (IDP) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, dự kiến trình kế hoạch doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng, tăng 30% so năm 2020. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 6% lên 530 tỷ đồng. Dù vậy, HĐQT muốn trình mức chia cổ tức với tỷ lệ tăng mạnh lên mức 40 - 80% bằng tiền mặt.
Trong khi năm 2020 lợi nhuận tăng trưởng mạnh, Công ty lại đề xuất không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Được biết, năm 2020, IDP thu về 3.836 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2 lần. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 37% lên 41%. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận ròng 505 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với 2019.
Để đạt được thành tích trên, năm qua Công ty tập trung đầu tư thêm máy móc sản xuất, cụ thể là 171 tỷ đồng ở 2 nhà máy (NM Ba Vì và NM Củ Chi), sữa chữa nâng cấp nhà máy 5 tỷ... Việc đầu tư xây dựng này đã giúp đảm bảo gia tăng công suất và tăng trưởng doanh số.
Song song, tổng tài sản của IDP cũng tăng 1.002 tỷ đồng (từ mức 1.160 tỷ cuối năm 2019 lên 2.162 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020), tương đương tăng 86%. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 477 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản tiền gửi ngắn hạn tại NHTM (lãi suất từ 5,5-7,7%/năm).
Cùng với đó, để huy động vốn, IDP năm qua còn phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 52.660 đồng/cp, thu về khoảng 526,5 tỷ đồng.
Về IDP, thời gian gần đây Công ty đang trong quá trình biến động cổ đông lớn. Trong đó, từng đặt kỳ vọng lớn khi rót vốn nắm cổ phần chi phối từ năm 2014, nhóm VinaCapital đã thoái vốn vào khoảng giữa năm ngoái.
Cùng thời điểm, Bule Point cũng tăng sở hữu tại Sữa Quốc tế (IDP) lên hơn 80% vốn, thông qua việc mua vào gần 13 triệu cổ phiếu IDP. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của IPD đã thông qua việc chấp thuận cho CTCP Blue Point mua đến 90% tổng số cổ phần của công ty mà không cần chào mua công khai. Thời gian hoàn thành giao dịch dự kiến là tháng 12/2020.
Mới nhất đến tháng 3/2021, một cổ đông lớn khác là Lothamilk tiếp tục bán thỏa thuận hết 6 triệu cổ phiếu IDP, hạ tỷ lệ sở hữu về 0%. Chiều ngược lại, Gold Field International mua lại cổ phần trở thành cổ đông lớn tại IDP với tỷ lệ sở hữu 10,18%.
Tại Đại hội tới đây, HĐQT IDP dự trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của công ty là ông Nguyễn Phan Minh Khôi và ông Hồ Sĩ Tuấn Phát, lý do cá nhân. Trong đó, ông Hồ Sỹ Tuấn Phát là tổng giám đốc của Lothamilk.
Về kinh doanh, từng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016-2018, IDP gây bất ngờ lớn khi công bố mức lãi ròng 114 tỷ đồng trong quý 2 – giai đoạn bắt đầu đổi nhóm cổ đông lớn. Năm 2020, Công ty cũng kết thúc với mức lợi nhuận đột biến hơn 500 tỷ đồng.
Sang quý 1/2021, IDP tiếp tục lãi ròng 178 tỷ đồng, tăng cao gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu đề ra, chỉ 3 tháng IDP đã thực hiện 1/3 chặng đường.
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.