Sức lan tỏa của chương trình "Ánh điện thắp sáng đường quê" tại Hoằng Hóa

Địa phương
02:04 PM 28/12/2022

Với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu chiếu sáng của nhân dân, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã phát động các địa phương triển khai thực hiện xã hội hóa xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng tự quản trên các tuyến đường tại các khu dân cư, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm đẹp thêm cảnh quan của một huyện ven biển đang nỗ lực trở thành thị xã trước năm 2030.

Là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch 99 ngày 17/9/2019 của UBND huyện về chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng đường điện ánh sáng là chỉ tiêu đầu tiên trong 6 chỉ tiêu của Kế hoạch số 99, gồm: đường điện ánh sáng, lát đá vỉa hè, rãnh thoát nước qua khu dân cư có tấm đan, quét vôi ve tường rào, trồng cây xanh - cây bóng mát - trồng đường hoa và chỉ tiêu về môi trường. Từ kế hoạch này, phong trào xây dựng mô hình "Thắp sáng đường quê" bằng đường điện cao áp đã có được sự đồng thuận cao của nhân dân, tạo được sức lan tỏa và có ý nghĩa thiết thực.

Hoằng Hóa: Sức lan tỏa của chương trình "Ánh điện thắp sáng đường quê" - Ảnh 1.

Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, trước năm 2019 trên địa bàn huyện chỉ có 261,27km đường điện chiếu sáng công cộng chủ yếu sử dụng kết hợp với cột điện, thì đến nay toàn huyện đã có 777,58 km đường điện chiếu sáng công cộng, trong đó 733,02 km có cột độc lập và 44,56 km gắn cột điện hiện trạng.

Phong trào xây dựng đường điện chiếu sáng tại huyện Hoằng Hóa bắt đầu được triển khai từ khoảng năm 2019 theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Để kích cầu, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng tự quản với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/km (với hệ thống cột điện, dây điện, đèn điện theo tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn của các ngành chức năng); 15 triệu đồng/km đối với hệ thống cột tự chế (bảo đảm đồng bộ theo hướng dẫn của ngành chức năng) phù hợp với các tuyến đường thôn, phố.

Hoằng Hóa: Sức lan tỏa của chương trình "Ánh điện thắp sáng đường quê" - Ảnh 2.

Từ chủ trương, sự khuyến khích, hỗ trợ của huyện, nhiều xã, thị trấn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc xã hội hóa xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng; sau đó rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ các bước thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân kế hoạch xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng tự quản; tổ chức họp nhân dân để báo cáo kế hoạch và kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng, các xã, thị trấn đã huy động sức mạnh cộng đồng, cùng thực hiện xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng, thu hút đông đảo người dân cùng tham gia. 

Riêng trong năm 2022, toàn huyện có 52,6km đường điện chiếu sáng được làm mới, tăng 25,2% so với kế hoạch đề ra. Một số xã được đánh giá đã thực hiện tốt phong trào xây dựng đường điện chiếu sáng, như: Hoằng Xuân, Hoằng Phú, Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Tân, Hoằng Thành, Hoằng Thịnh, Hoằng Xuyên và thị trấn Bút Sơn…

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt và đi lại của Nhân dân đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế va chạm giao thông xảy ra vào buổi tối, đời sống tinh thần người dân cũng vì thế mà tăng lên, thêm phần phấn khởi, tích cực hơn cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Các khu dân cư, tổ dân phố đã thống nhất cách thực hiện và vận động nhân dân đóng góp để lắp đặt đồng bộ hệ thống bóng đèn tiết kiệm năng lượng, đèn led và đấu nối vào hệ thống điện công cộng. Kinh phí duy trì điện sáng, chi trả tiền điện hằng tháng cũng do người dân tự nguyện đóng góp.

Hoằng Hóa: Sức lan tỏa của chương trình "Ánh điện thắp sáng đường quê" - Ảnh 3.

Đường sá ở Hoằng Thanh vốn xưa kia chủ yếu là đường cát lầy lội thì nay được thay thế bằng đường nhựa, đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ; cảnh tốm om, im ắng về đêm nay được thay thế bằng ánh điện chiếu sáng khắp nơi, hàng trăm bóng đèn Led từ các cột điện cao áp được thắp sáng rực 2 trên khắp các đoạn đường, vỉa hè, hành lang giao thông được mở rộng, lát đá sạch sẽ. 

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Hoằng Thanh triển khai thực hiện KH 99 của UBND huyện nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phong trào "Thắp sáng đường quê" đã và đang làm cho diện mạo của xã thay đổi theo hướng tích cực, góp phần tạo mỹ quan, văn minh hơn trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Để tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân, quá trình thực hiện xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng tại các xã, thôn, thị trấn trên toàn huyện đều được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với đặc điểm từng thôn. Cấp ủy, Ban cán sự các thôn đều thống nhất vận động kinh phí từ con em xa quê, xã hội hóa trong nhân dân và từ nguồn kích cầu của xã, huyện để làm đường điện sáng.

Việc triển khai làm đường điện ánh sáng ở thị trấn Bút Sơn được họp bàn dân chủ khách quan, lấy ý kiến và mức đóng góp cụ thể của nhân dân. Hầu hết đều áp dụng phương án là kêu gọi, vận động nhân dân làm từng tuyến, với phương châm tuyến nào thuận lợi thì làm trước để làm điểm, tạo sức lan tỏa trong toàn thị trấn, tuyến nào khó khăn thì làm sau. Do đó, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo bà con nhân dân trong toàn xã, nhất là những hộ dân sống 2 bên mặt đường. Bên cạnh sự hỗ trợ của huyện, HĐND - UBND thị trấn Bút Sơn cũng có nhiều chính sách, khuyến khích hỗ trợ.

Về thăm xã Hoằng Giang chúng tôi mới được "mục sở thị" về những thay đổi rõ nét không chỉ về diện mạo mà còn về nhận thức của người dân. Mô hình "Thắp sáng đường quê" được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang, an ninh trật tự địa phương được đảm bảo. UBND xã Hoằng Giang đã trích ngân sách xã để thực hiện 4,1km tuyến đường chính làm tuyến điểm để nhân ra diện rộng. 

Trên tuyến đường chính này, Hoằng Giang đã đầu tư hệ thống bóng cao áp và cột mới trên 2km, 1,8km còn lại dựa trên đường điện hạ thế. Tiền điện hàng tháng được xã hội hóa trên đầu công tơ điện. Sau khi triển khai tuyến đường điểm có hiệu quả thiết thực, phục vụ sinh hoạt đời sống văn hóa cho nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, xã Hoằng Giang đã nhân rộng mô hình thắp sáng đường quê đến từng ngõ xóm trong khu dân cư của 4/4 thôn. 

Với hỗ trợ kích cầu từ ngân sách xã 10 triệu đồng/1 km đường điện cao áp chiếu sáng trong thôn, các thôn trên địa bàn xã đã vận động nhân dân đóng góp để thực hiện lắp đặt hệ thống bóng đèn LED cao áp 50w thay cho bóng compact trước đây. Từ khi công trình đường điện ánh sáng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đời sống của người dân thực sự thay đổi. Ánh điện từ các con đường liên thôn, làng ở các địa phương trong huyện vừa mang lại diện mạo mới cho mỗi vùng quê vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Năm 2023, huyện Hoằng Hóa tiếp tục đặt mục tiêu 100% tuyến đường trong khu dân cư có đường điện ánh sáng; đồng thời khuyến khích các xã, thị trấn đầu tư xây dựng đường điện ánh sáng ngoài khu dân cư (đường xã, huyện, tỉnh, đường đê) sử dụng năng lượng mặt trời.

Nhờ chương trình thắp sáng đường quê, những con đường rực rỡ ánh điện về đêm đã đem lại diện mạo mới cho thôn, phố, khu dân cư trên địa bàn huyện. Với nhiều người dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, ánh điện còn mang lại sự văn minh. Niềm vui có được là nhờ người dân trong huyện đã góp công, góp của và cả những giọt mồ hôi để đưa "ánh sáng văn minh" đến từng thôn, xóm, lan tỏa trong mỗi hộ gia đình.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).