Suy thoái kinh tế nhìn từ chiếc quần lót nam: Doanh số giảm hẳn là các nam thanh niên phải kẹt tiền lắm mới không dám mua
Chỉ số đồ lót nam, nghe có vẻ kỳ lạ, song thực chất thực sự tồn tại.
Tờ CNN vừa trích dẫn nhận định của Cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, ông Alan Greenspan về các chỉ dấu báo hiệu đà suy thoái kinh tế, trong đó có chiếc quần lót nam.
Ông lập luận rằng quần lót của đàn ông là món hàng mặc bên trong, ít ai chú ý, vì vậy, nam giới đa phần mua mới chúng chỉ vì nhu cầu chứ không phải do chạy theo mẫu mốt. Chính vì vậy, khi doanh số quần lót giảm, ắt hẳn, các nam thanh niên phải kẹt tiền lắm mới không dám xuống tiền đến vậy.
“Ông ấy từng nói với tôi rằng, quần lót nam là loại trang phục kín đáo nhất bởi không ai nhìn thấy nó ngoại trừ những người cùng đứng trong phòng thay đồ, và thực tế là chẳng ai quan tâm đến nó cả", phóng viên lâu năm của tờ NPR Robert Krulwich nói khi chia sẻ về cuộc phỏng vấn ông Alan Greenspan từ nhiều năm về trước.
Chỉ số đồ lót nam, nghe có vẻ kỳ lạ, song thực chất thực sự tồn tại. Số liệu thực tế cho thấy đúng là doanh số quần lót nam ở Mỹ đã sụt giảm đáng kể từ năm 2007 đến 2009 - thời kỳ khủng hoảng tài chính diễn ra trên toàn cầu. Đến khi nền kinh tế dần phục hồi vào năm 2010, chỉ số đồ lót nam mới khởi sắc trở lại.
Theo CNN, các chuyên gia phân tích trước giờ vẫn luôn tìm kiếm những chỉ dấu dự đoán khả năng suy thoái. Giống như việc các loài động vật vẫn thường giẫm đạp, chạy trốn lên những vùng đất cao hơn để tránh sóng thần, quy luật tương tự có thể được áp dụng đối với nền kinh tế.
Đó là lý do vì sao thời gian gần đây, có rất nhiều lời bàn tán về đường cong lợi suất đảo ngược hoặc hiện tượng lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất dài hạn. Đây đều được cho là những chỉ dấu cảnh báo rủi ro suy thoái bởi chúng thường xuất hiện trước mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ những năm 1970.
Ngoài quần lót, vẫn còn một số chỉ dấu thú vị khác cho thấy một nền kinh tế suy thoái: nhà chọc trời.
Andrew Lawrence, chuyên gia phân tích thuộc công ty đầu tư tài chính Barclays Capital đã đưa ra lý thuyết “Chỉ số nhà chọc trời” vào năm 1999. Ông cho rằng số lượng các tòa nhà chọc trời càng nhiều thì càng chứng tỏ nền kinh tế đang dần tiến đến rủi ro suy thoái. Điều này đồng nghĩa với việc, thời điểm một tòa nhà phá vỡ kỷ lục cao nhất thế giới cũng là lúc khủng hoảng kinh tế đang cận kề.
Dữ liệu được nghiên cứu suốt từ thời 1800 đến nay cũng đều chứng minh được mối tương quan giữa khủng hoảng kinh tế và việc khánh thành những tòa nhà cao nhất thế giới.
Tòa nhà Empire State được hoàn tất vào năm 1930, đúng lúc cuộc Đại Suy thoái diễn ra. Tòa tháp Sears và cặp tháp đôi World Trade Center khai trương vào đầu thập niên 1970, sau đó ít lâu thì kinh tế Mỹ rơi vào tình cảnh đình đốn và lạm phát. Tháng 10/2009, ngoại thất tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai vừa được hoàn thiện thì hai tháng sau chính quyền thủ đô này gần như vỡ nợ.
Lý do Lawrence đưa ra lý thuyết kỳ lạ này là bởi nhà chọc trời được cho là chỉ dấu của những chính sách nới lỏng tiền tệ, tiền rẻ không biết làm gì cho hết nên chính phủ cho xây nhà cao để lấy tiếng. Đây là biểu hiện của tình trạng đầu tư lãng phí, là khởi đầu cho một nền kinh tế sớm phải điều chỉnh.
Ngày nay ở Mỹ, hầu hết các dự án cao ốc chọc trời đều đang tạm dừng, song ở một diễn biến khác, các tỷ phú như Jeff Bezos, Elon Musk hay Richard Branson vẫn đang miệt mài rót tiền tỷ vào cuộc chạy đua vũ trụ.
Doanh số các loại mỹ phẩm, đặc biệt là son môi, có xu hướng ngược chiều với đà tăng trưởng kinh tế
Ngoài ra, theo Chủ tịch hãng mỹ phẩm Estee Lauder Leonard Lauder, doanh số các loại mỹ phẩm, đặc biệt là son môi, cũng có xu hướng ngược chiều với đà tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn như vào mùa thu năm 2001, doanh số son môi tăng 11% trong khi kinh tế đang trong giai đoạn trầm lắng. Giai đoạn Đại Suy thoái, doanh số mỹ phẩm nói chung cũng tăng 25%.
Thời kỹ thuật số, người ta cũng coi các ứng dụng hẹn hò trên mạng như một chỉ dấu của nền kinh tế: Các ứng dụng hoạt động càng sôi nổi, kinh tế càng khó khăn. Chẳng hạn như ứng dụng Match cho biết công ty đã có một quý tăng trưởng mạnh mẽ vào năm khủng hoảng tài chính 2009. Năm 2020, khi dịch COVID-19 hoành hành, giá cổ phiếu của Match cũng tăng mạnh đến 141%. Phải chăng khủng hoảng thất nghiệp, mất việc làm khiến người ta có nhiều thời gian rảnh rỗi và nghĩ đến chuyện hẹn hò chăng?
Theo: CNN
Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.